Chị Đinh Thị Thánh bàng hoàng khi mất hết người thân trong trận sạt lở Ảnh: H. Văn

Chiều 10/11, trời mưa như trút nước. Tiếng còi hú vang, dân làng lại kéo nhau chạy đi tránh trú. 

Theo kế hoạch sơ tán của UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ứng phó bão số 10 và nguy cơ sạt lở, có hàng nghìn hộ dân ở các làng, khu dân cư thuộc 10 xã có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. Ngoài trường học, trụ sở xã, nhà văn hóa được trưng dụng làm nơi sơ tán tập trung, người dân được vận động di dời đến nhà người khác để trú tránh.

Nhà sập, làng mất

Chị Đinh Thị Thánh (33 tuổi, ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) bần thần nhìn trời đổ nước. Trận mưa trước cũng vậy. Mưa gió gầm rú, rồi đất đá trên núi đổ ập xuống, cả chục ngôi nhà sập, trong đó có nhà chị. Chị Thánh bàng hoàng kể lại, chiều 28/10, khi thấy trời mưa lớn, vợ chồng con cái của người em trai chạy sang nhà chị trú. Nhưng sạt lở kinh hoàng làm sập ngôi nhà, chị mất cùng lúc 8 người thân.

“Tôi bị đất lấp chỉ còn lòi phần đầu, đoạn gỗ sườn nhà đè trên chân không thể thoát được. Tôi kêu cứu thì anh em quanh đó chạy đến kéo tôi ra. Lát sau, lực lượng dân quân, người dân chạy đến đào được gia đình tôi”, chị kể, giọng vẫn còn run run. Do bị vùi lấp lâu trong đất, đứa con trai 7 tuổi của chị đã tử vong. Vợ chồng em trai và 2 đứa con nhỏ cũng không qua khỏi. Cạnh đó, ngôi nhà của Vũ Văn Nam, em trai chị, cũng bị vùi trong đống đất đá. Người ta bới tìm đưa lên thì 3 trong số họ cũng đã mất.

Cùng lúc đó, gia đình em Nam cũng được người dân đào đất tìm thấy, nhưng em Nam và 2 đứa con gái đã chết, còn vợ Hồ Thị Phượng (1985) bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu. “Quá kinh hoàng. Không ai có thể tưởng tượng được một ngày ngôi làng lại tang thương đến thế. Người thân thì mất hết, giờ cũng chẳng biết sống sao”, chị nói trong nước mắt.

Ông Thống Quốc Tuấn (58 tuổi, ở làng Ông Sinh, xã Trà Vân) ngồi thu lu trong căn lều tạm dựng ở sân bóng đá của thôn cùng với hàng chục hộ dân mất nhà. Ông Tuấn nói, sau khi nhiều hộ có nhà bị sạt và nguy cơ sạt lở cao, địa phương đã dựng tạm căn lều ở đây. Ngôi nhà ông Tuấn bị sập trong trận sạt lở ngày 28/10.

“Nhà sập, tất cả tài sản gia đình dành dụm bấy lâu nay cũng đã bị vùi lấp, mất hết rồi. Đất đá trên núi đổ xuống quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, mọi tài sản trong nhà không kịp đưa đi. May còn giữ được mạng”, ông nói. Sau khi thoát khỏi “thần chết”, ông Tuấn cùng bà con trong làng về đây ở tạm.  “Làng giờ cũng tan hoang hết, nhà thì sập. Giờ chỉ mong chính quyền cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ sao để có một nơi ở mới an toàn”,  ông nói.

Nỗi đau người ở lại

Những ngôi làng trên núi vốn mang cái tên rất gần gũi, gắn với tên trưởng làng như nóc Ông Sinh, nóc Ông Đề, nóc Ông Nơi, khu dân cư Ông Hương, khu dân cư Ông Dũng... Nóc Ông Đề xảy ra vụ sạt lở chiều 28/10 khiến 22 người chết và mất tích, trong đó có 8 người thân của trưởng nóc Hồ Văn Đề.

Người đàn ông khắc khổ, đau đáu theo dõi cuộc tìm kiếm suốt 10 ngày qua. Hơn 20 năm trước, ông Đề dẫn bà con, họ hàng người M’nông về đây cùng nhau sinh sống, những mong cuộc sống bình yên. Dẫu có khó khăn về vật chất nhưng trong làng đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhưng thảm họa ập xuống khiến mọi thứ tan hoang, ngôi làng chỉ còn bãi đất sình lầy, ngổn ngang đất đá. Dưới đó còn vùi 23 người. “Con trai, con gái, con rể, cháu đều mất hết cả. Dân làng trong đống đổ nát đó hết. Tại sao bỗng nhiên lại thành ra như vậy?”, ông Đề khóc.

Những ngày này, chị Trần Thị Diệu (thôn 1, xã Trà Leng) cùng đứa con gái 4 tuổi vẫn được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Đôi mắt lúc nào cũng thất thần nhìn về phía núi. Trong trận sạt lở kinh hoàng, chị mất cùng lúc 3 đứa con. Lúc xảy ra sạt lở, chị Diệu đang giúp bà con dọn đồ sau đó sẽ cùng sang nhà ông Việt - Bí thư xã để tránh bão. Ai ngờ sau tiếng “bùng, bùng”, cả ngôi làng bị đất đá vùi lấp. Ngôi nhà ông Việt, nơi có hàng chục người đang trốn bão, trong đó có 3 người con của chị, cũng mất dấu. Chồng chị, anh Nguyễn Xuân Vũ, chỉ kịp hô “chạy đi” rồi kéo chị chạy bán sống bán chết, dưới chân đất đá còn cuồn cuộn theo.

Gần 10 năm về làm dâu, chị có cuộc sống dù nghèo nhưng bình yên cùng người chồng và 4 đứa con. Chị chưa thể tin vào sự thật nghiệt ngã lúc này. “Tôi dặn chồng quay về làng để tìm xác con. Nếu thấy thì chôn cất ở trong vườn nhà. Sợ quá rồi, giờ cũng không dám về làng nữa”, chị nói.

Mưa lại trút xuống từng đợt, gió thông thốc vào những mái nhà tạm, dân làng lại kéo nhau lũ lượt chạy. Chạy khỏi vùng sạt lở, chạy để đến nơi an toàn, chạy khỏi ngôi làng mà từ lâu trong tâm khảm vốn rất bình yên.