"Đại dịch cô đơn" bùng nổ trên khắp thế giới: Hàn Quốc chi 327 triệu đô la để ứng phó
"Chết trong cô độc"
Trong tiếng Hàn, "godoksa" có nghĩa là chết trong cô độc. Đây là vấn đề cấp bách đến mức chính phủ nước này đang làm mọi cách để ngăn chặn tình trạng này.
Tại thủ đô Seoul sôi động, trong tuần này, chính quyền thành phố đã tuyên bố sẽ chi 451,3 tỷ won (gần 327 triệu đô la) để "tạo ra một thành phố không ai cô đơn" trong 5 năm tới.
Các sáng kiến mới bao gồm tổng đài tư vấn liên quan đến sự cô đơn sẽ được hỗ trợ theo đường dây nóng 24/7. Đây là nền tảng trực tuyến cũng như là biện pháp theo dõi, bao gồm các cuộc thăm khám và tư vấn trực tiếp.
"Sự cô đơn và cô độc không chỉ là vấn đề cá nhân mà là nhiệm vụ mà xã hội phải cùng nhau giải quyết. Thành phố sẽ huy động toàn bộ sức lực để giúp những người cô đơn chữa lành và trở lại hòa nhập xã hội", Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thành phố cũng có kế hoạch giới thiệu các dịch vụ tâm lý mở rộng và không gian xanh; các chế độ ăn dinh dưỡng cho người trung niên và cao tuổi; xây dựng một "hệ thống tìm kiếm" chuyên dụng để xác định những người bị cô lập cần giúp đỡ; và các hoạt động khuyến khích mọi người ra ngoài và kết nối với người khác, chẳng hạn như làm vườn, hoạt động thể thao, câu lạc bộ sách.
Các chuyên gia hoan nghênh các biện pháp này và khuyến khích phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng này, một phần vì sự cô đơn ở Hàn Quốc từ lâu đã gắn liền với văn hóa Hàn Quốc và khó có thể thay đổi.
"Sự cô đơn là một vấn đề xã hội quan trọng hiện nay, vì vậy các nỗ lực hoặc chính sách để giải quyết vấn đề này là hoàn toàn cần thiết", bà An Soo-jung, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Myongji cho biết.
Hàng nghìn người chết vì cô đơn
Vấn đề cô đơn đã xảy ra ở Hàn Quốc trong suốt thập kỷ qua khi số lượng người tử vong liên quan đến vấn đề này tăng lên. Chẳng hạn như những người trẻ tuổi có xu hướng rút lui khỏi thế giới bên ngoài và dành cả ngày để cô lập ở nhà, thậm chí là trong nhiều tháng.
Hiện tượng này, được gọi bằng thuật ngữ tiếng Nhật là "hikikomori", đã trở nên ngày càng phổ biến. Theo thống kê, Hàn Quốc ước tính có tới 244.000 người rơi vào tình trạng như vậy vào năm 2022.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố vào tuần trước, số lượng người chết vì cô đơn cũng đang tăng lên - đạt 3.661 vào năm ngoái, tăng từ 3.559 vào năm 2022 và 3.378 vào năm 2021.
Con số gia tăng đó có thể là mới, để thấy rằng số lượng "người chết vì cô đơn" đang tăng lên nhanh chóng.
Trong những năm trước, khi thi thể người chết thường được tìm thấy sau "một khoảng thời gian nhất định" thì mọi người sẽ định nghĩa là"cái chết cô đơn". Tuy nhiên, đến hiện tại, thuật ngữ này hiện áp dụng cho bất kỳ ai sống trong sự cô lập xã hội, bị cắt đứt khỏi gia đình hoặc người thân và chết do tự tử hoặc bệnh tật.
Một yếu tố khác đằng sau sự gia tăng này có thể là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước. Dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là luôn có nhiều ca tử vong hơn so với số ca sinh trong những năm gần đây. Tỷ lệ tử vong chung của Hàn Quốc đang tăng lên, bao gồm cả những ca tử vong vì cô đơn.
Tuy nhiên, vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn khi hầu hết những người tử vong thường ở độ tuổi trung niên và cao tuổi.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, hơn 84% số ca tử vong vì cô đơn được ghi nhận vào năm ngoái là nam giới, gấp hơn 5 lần số ca tử vong ở phụ nữ.
Những người đàn ông ở độ tuổi 50 và 60 chiếm hơn 1/2 trong tổng số nhóm, khiến họ "đặc biệt dễ bị tổn thương trước nguy cơ tử vong một mình".
Điều gì khiến người Hàn Quốc cô đơn đến vậy?
Cô đơn không phải là vấn đề duy nhất ở Hàn Quốc và "cũng không thể nói rằng người Hàn Quốc đặc biệt cô đơn hơn những người khác. Tuy nhiên, khi được hỏi về điều gì khiến họ cảm thấy cô đơn, "có một số điểm khác biệt so với các quốc gia khác được chỉ ra", bà An, Giáo sư tâm lý học cho biết.
Ở một số nền văn hóa, cô đơn được coi là cảm giác xảy ra "khi các mối quan hệ không trọn vẹn". Ở Hàn Quốc, mọi người nói rằng họ cảm thấy rất cô đơn khi họ cảm thấy mình không đủ xứng đáng hoặc thiếu mục đích".
Quan điểm đó cũng được các chuyên gia khác đồng tình. Nhiều người Hàn Quốc thuộc thế hệ Millennials và Gen Z rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và đặc biệt rất sợ thất bại.
Một nghiên cứu từ tháng 6/2024 phát hiện rằng đại dịch cô đơn phản ánh những sắc thái trong văn hóa Hàn Quốc, "nhấn mạnh vào khuynh hướng quan hệ" - hoặc mọi người tự xác định bản thân mình trong mối quan hệ với những người xung quanh.
Do đó, người Hàn Quốc thường cảm thấy cô đơn sâu sắc nếu họ thấy bản thân không "tạo ra giá trị cho xã hội", nghiên cứu cho biết.
Theo bà An, đây là sự khác biệt lớn so với các quốc gia khác. Người Hàn Quốc có thể có đời sống xã hội phát triển và mối quan hệ chặt chẽ với người khác, nhưng họ sẽ cảm thấy cô đơn "khi so sánh bản thân với người khác và tự hỏi liệu họ có hữu ích, đóng góp đủ cho xã hội hay không".
Nghiên cứu cũng xác định các yếu tố khác như sự gia tăng các hộ gia đình chỉ có một người, sự suy giảm tương tác trong ông việc và gia đình, sự thống trị của phương tiện truyền thông xã hội và văn hóa cạnh tranh.
"Khi tất cả chúng ta theo đuổi một giá trị nào đó quá mức thì chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình. Xã hội đánh giá cao tinh thần tập thể nhưng thường không tôn trọng cá nhân - nghĩa là mọi người thường phải chật vật đối phó với sự cô đơn hoặc cảm giác thất bại", bà An nói.
Nỗ lực của chính phủ
Trong những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến để giải quyết thực trạng này, bao gồm Đạo luật Phòng ngừa và Quản lý Cái chết Cô đơn nhằm yêu cầu lập kế hoạch phòng ngừa toàn diện và báo cáo tình hình 5 năm một lần.
Vào năm 2023, chính phủ nước này cũng thông qua sửa đổi luật, hỗ trợ tài chính cho thanh thiếu niên sống ẩn dật lên tới 650.000 won (475 đô la) mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt và giúp họ "tái hòa nhập với xã hội".
Hàn Quốc không đơn độc trong cuộc chiến này.
Tại Nhật Bản, xu hướng hikikomori (cô đơn) đang được nghiên cứu sâu rộng, thậm chí thành lập riêng một cơ quan chuyên trách về vấn đề này vào năm 2021. Năm 2022, chính phủ đã công bố kế hoạch đối phó cụ thể hơn, bao gồm dịch vụ tư vấn 24/7 và mở rộng các chương trình tư vấn và công tác xã hội đối với những người cơ đơn.
Trong khi đó, các quốc gia khác, bao gồm Vương quốc Anh, cũng đã bổ sung thêm cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này nhằm đưa ra các biện pháp kiểm soát và cân bằng.
Mỹ cũng đã cảnh báo về "đại dịch cô đơn và cô lập" trong một khuyến cáo năm 2023, thúc đẩy xây dựng các biện pháp ứng phó như phát triển cơ sở hạ tầng xã hội vững chắc hơn và quản lý vấn đề này chặt chẽ trên các nền tảng trực tuyến.
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã thành lập một ủy ban để ứng phó với tình trạng cô đơn toàn cầu vào năm 2023, gọi đây là "mối đe dọa sức khỏe cấp bách".
Giáo sư An nhận định đây không phải là một vấn đề có thể dễ dàng giải quyết bằng một chính sách duy nhất. Vì có những yếu tố phức tạp đan xen cũng như đặc thù văn hóa quốc gia nên sẽ cần một định hướng tốt hơn để các cá nhân có thể "có thêm sức mạnh khi ở một mình và đối mặt với chính mình."
"Cuộc sống vốn dĩ đã rất khó khăn và đôi lúc, chúng ta sẽ cảm thấy như không còn thời gian để chăm sóc cho chính mình. Vì vậy, chúng ta cần nuôi dưỡng khả năng tự chăm sóc cả bản thân thật tốt trong mọi tình huống", bà An nói thêm./.
WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức
Ngày 23/11/2024 WAFT đã được ra đời với 2 thương hiệu WATF Human Capital và WATF Media. Triết lý giáo...
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...
Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái...
Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 24/11/2024 chi tiết các khu vực trên cả nước như sau.
Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...
Áp thấp gần Biển Đông đầu tiên có khả năng hình thành ở khu vực dự báo TCAD của PAGASA. Áp...