Anh T.Q.A. (39 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khám vì đau đầu, ù tai một bên, cảm giác trong tai có tiếng ve kêu. Ban đầu, anh cho rằng do thời gian qua bản thân nghe nhạc nhiều nên ù tai. Nhưng triệu chứng ngày càng không đỡ. Gần đây, anh cảm thấy khó thở, chảy máu mũi nên đã đến một phòng khám tư nội soi tai mũi họng. Bác sĩ thấy có u trong vòm họng nên khuyến cáo bệnh nhân đi kiểm tra chuyên sâu. Kết quả nội soi và có sinh thiết mẫu bệnh phẩm cho thấy anh bị ung thư vòm họng. 

Trường hợp khác là chị N.T.H.Y (Hoài Đức, Hà Nội) thường xuyên bị nghẹt mũi. Khi đi làm, chị Y. bị chảy máu mũi. Ban đầu, bệnh nhân cho rằng chảy máu cam nên chủ quan. Sau đó, chị Y. tiếp tục bị chảy máu cam nhưng không cầm được máu nên vào Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vòm họng giai đoạn 2.

Theo Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư vòm họng chiếm 12% các bệnh ung thư. Đây là một loại ung thư nguy hiểm, thường "vay mượn" triệu chứng của các bệnh lý khác như viêm hô hấp, cảm cúm nên người dân chủ quan. Vì vậy, 70% bệnh nhân ung thư vòm họng đến viện ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn.

Bệnh nhân nội soi tai mũi họng sàng lọc ung thư tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC.

Bệnh phổ biến ở nam giới từ 40-60 tuổi. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng đó là người nhiễm virus Epsstein - Barr (EBV), sử dụng nhiều bia rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng nhiều loại đồ ăn lên men như dưa muối.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Tùng, Trưởng khoa Xạ đầu cổ, Bệnh viện K, người dân cần nhớ 9 dấu hiệu ung thư vòm họng:

1. Giảm thính lực, ù tai, đau hoặc cảm giác đầy tai ở một bên

2. Nhiễm trùng tai tiếp tục tái phát

3. Nghẹt mũi

4. Chảy máu cam

5. Nhức đầu

6. Đau hoặc tê mặt

7. Khó mở miệng

8. Nhìn mờ hoặc nhìn đôi

9. Khó thở hoặc khó nói chuyện.

Các dấu hiệu trên giống với các bệnh lý tai mũi họng thông thường. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài 2-3 tuần, nghẹt mũi, ù tai chỉ ở một bên. Ví dụ như đau nửa đầu, nghẹt một bên mũi. Người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tầm soát ung tư vòm họng. 

Phó giáo sư Tùng cho biết người bệnh ung thư vòm họng cần điều trị đa mô thức trong đó xạ trị là điều trị chính, hóa trị hỗ trợ thêm, tác dụng phụ rất lớn.