Rau răm là một trong những loại rau gia vị ăn kèm rất quen thuộc với người Việt. Rau răm giúp giảm vị tanh của thức ăn nên thường được ăn kèm với các món như trứng vịt lộn, hải sản, cá kèo,...

Có thể bạn ăn rau răm thường ngày nhưng không phải ai cũng biết về công dụng của rau răm trong điều trị một số bệnh hay gặp trong cuộc sống. Vậy rau răm có tác dụng gì? Hãy lưu lại những mẹo vặt chữa bệnh từ rau răm vô cùng hiệu quả trong bài viết dưới đây để sử dụng khi cần. 

Rau răm có tác dụng gì?

Rau răm còn có một số vùng gọi là cây thủy liễu, tên khoa học là Polygonum odoratum Lour.

Chúng là một trong những cây thảo mộc lâu năm, thân bò, rễ mọc từ đốt của thân cây, rau răm có độ dài từ khoảng 35-40cm. Thân, rễ, lá rau răm thường có mùi thơm dễ chịu. Lá rau răm mọc so le, hình trứng mác. Rau răm có thể trồng khắp cả nước Việt Nam bởi chúng rất dễ thích nghi với khí hậu nóng ẩm. 

Con người thường ăn cả thân và lá non ở phần ngọn, chúng có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm mát.

Ăn rau răm có tác dụng gì? Việc ăn rau răm không chỉ làm bạn cảm thấy ngon miệng mà chúng còn mang lại nhiều công dụng khác nhau như kích thích tiêu hóa, sát trùng, tiêu thực. 

Rau răm thường được ăn kèm với trứng vịt lộn để giảm tanh - Ảnh minh họa: Internet

Theo Đông y, người ta thường sử dụng loại rau răm có thân màu đỏ, hơi ngả tím để làm thuốc chữa bệnh. Chúng được dùng với mục đích làm ấm bụng, tán hàn. Nếu thường xuyên ăn rau răm còn giúp sáng mắt, mạnh gân cốt, ích trí.

Ngoài dùng để ăn, rau răm còn được sử dụng để điều trị  một số bệnh thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Vậy rau răm trị bệnh gì? Đó là những bệnh như đầy hơi, đau bụng, nôn mửa, lạnh bụng, say nắng, khát nước. Nếu uống nước ép rau răm còn có khả năng giải độc do bị rắn cắn.

Rau răm còn được dùng để trị các bệnh khác như hắc lào, sâu quảng, ghẻ lở hoặc bị tê bại.

2. Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau răm

2.1 Rau răm chữa cảm cúm, sổ mũi

Những người bị sổ mũi do cảm cúm, cảm lạnh cũng có thể sử dụng rau răm để trị chứng bệnh này rất hiệu quả. Vì vậy mỗi nhà nên trồng vài cây rau răm để có thể tiện lợi sử dụng bất cứ lúc nào.

Nếu có người nhà bị cảm cúm, sổ mũi hãy thực hiện như hướng dẫn sau đây:

Hái một nắm lá rau răm rửa sạch và 3 lát gừng tươi. Bỏ chung vào cối hoặc máy xay để giã nát cùng nhau. Đổ thêm một ít nước đun sôi để nguội, hòa đều, chờ lắng cặn thì chắt lấy phần nước để uống. 

Làm nước rau răm + gừng như trên uống ngày 2 lần cho đến khi thấy các triệu chứng sổ mũi, cảm cúm biến mất.

Ngoài cách trên, bạn cũng có thể thực hiện bài thuốc khác từ rau răm để trị cảm cúm như sau:

Chuẩn bị 20g rau răm tươi, 20g lá kinh giới, 20g lá tía tô, 10g xuyên khung, 10g kiện sắc với nước uống chia mỗi ngày 2 lần.

Những người bị sổ mũi do cảm cúm, cảm lạnh cũng có thể sử dụng rau răm để trị chứng bệnh này rất hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

2.2 Rau răm trị mụn nhọt

Mụn nhọt và tình trạng dễ gặp trên da mặt ở nhiều người, đặc biệt là những người có làn da dầu, do các chất cặn bã, da chết làm tắc nghẽn các lỗ chân lông dẫn đến mụn nhọt. 

Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng mụn nhọt có thể để lại sẹo cho da mặt rất mất thẩm mỹ. Vì vậy nếu gặp vấn đề này ở da, bạn có thể tận dụng rau răm để trị mà không cần phải tốn tiền bởi rau răm có thể giúp chống viêm, tiêu độc rất hiệu quả.

Cách sử dụng rau răm để trị mụn nhọt như sau: Hái một nắm lá rau răm rửa sạch sau đó giã nát cùng với một ít muối rồi dùng bã lá rau răm đắp lên những nốt mụn nhọt. Sử dụng bông gòn và băng y tế để cố định chúng trên mặt, bạn có thể thực hiện trước khi ngủ và để qua đêm và làm như vậy 1 lần/ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Rau răm còn có khả năng trị mụn nhọt hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

2.3 Rau răm chữa rắn cắn

Sử dụng rau răm để chữa rắn cắn là một bài thuốc được sử dụng và lưu truyền từ xa xưa đến nay. Nếu có người nhà không may bị rắn cắn hãy làm như sau:

Trước hết cần phải cố định phần thân trên vị trí rắn cắn nhằm ngăn chặn nọc độc lây lan, sau đó nhanh chóng dùng một nắm lá rau răm rửa sạch, giã nát và vắt lấy phần nước, cho người bị rắn cắn uống nước rau răm, dùng phần bã để đắp lên vết rắn cắn.

Thực hiện cách trên càng sớm càng tốt, nếu xác định được loại rắn độc tố cao thì di chuyển bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất.

2.4 Rau răm chữa tiêu chảy do cảm lạnh

Nếu bạn hoặc người thân không may mắc phải chứng đau bụng, tiêu chảy do cảm lạnh thì hãy sử dụng rau răm để để trị hiệu quả bởi rau răm có tính ấm, tỳ vị.

Cách làm như sau: Lấy 16g rau răm tươi, 16g rau kinh giới, 12g bạch truật, 10g quế, 4g gừng nướng và 12g khương lương. Trộn đều các thành phần trên vào một cái nồi nhỏ, đun với 2 bát nước cho đến khi nước cô lại khoảng 1 bát nước thì chia uống ngày 2 lần.

Rau răm còn được sử dụng để trị tiêu chảy - Ảnh minh họa: Internet

2.5 Rau răm chữa hắc lào, ghẻ lở

Hắc lào, ghẻ lở cũng là một chứng bệnh thường gặp trong đời sống. Bạn hãy thực hiện bài thuốc sau để trị chứng bệnh này một cách hiệu quả như sau:

Dùng cả cây rau răm (bao gồm rễ, thân, lá) rửa sạch và ngâm với một ít rượu trắng trong vòng 2 ngày, sau đó dùng rượu ngâm rau răm để bôi lên vùng da bị ghẻ lở, hắc lào rồi dùng gạc sạch để băng bó lại cẩn thận. Rửa sạch, bôi lớp rượu mới và thay băng hàng ngày cho đến khi khỏi hẳn.

2.6 Rau răm chữa say nắng

Những ngày hè nắng nóng, oi bức, nếu đi ngoài nắng về rất dễ gặp phải tình trạng say nắng. Hãy thực hiện bài thuốc sau đây để trị chứng say nắng hiệu quả.

Lấy 30g rau răm, 10g mạch môn, 20g sâm bố chính có tẩm nước gừng, 16g rễ đinh lăng, tất cả nguyên liệu này đã được phơi khô hoặc sao vàng trước đó. Sắc chúng với khoảng 600ml nước cho đến khi nước cạn còn lại khoảng 200ml thì cho người say nắng uống 2 lần/ngày.

2.7 Rau răm chữa nước ăn chân

Nhiều người bị tình trạng nước ăn chân có thể do nguồn nước ô nhiễm gây ngứa ngáy, bong da rất khó chịu và mất thẩm mỹ. Hãy sử dụng rau răm để trị nước ăn chân như sau: 

Sử dụng một nắm lá rau răm rửa sạch và giã nát, sau đó đắp lên vùng da bị tổn thương do nước bẩn gây ra. Mỗi ngày thực hiện 2 lần và trong quá trình sử dụng bài thuốc này bạn nên hạn chế tiếp xúc với nước để có hiệu quả tốt nhất.

Bạn có thể sử dụng rau răm để trị nước ăn chân - Ảnh minh họa: Internet

2.8 Rau răm chữa đầy bụng, trướng bụng

Sử dụng một nắm rau răm rửa sạch đem giã nát và vắt lấy phần nước cốt để uống trực tiếp, dùng bã để xoa lên vùng quanh rốn sẽ giúp giảm các triệu chứng trên.

2.9 Rau răm chữa vết thương bầm tím

Nếu bị chấn thương làm cho vùng da xuất hiện các vết bầm tím, bạn hãy lấy một nắm lá rau răm và rửa sạch, giã nát, sau đó trộn với một viên long não để xoa vào vết thương và băng cố định lại. Sau vài lần thực hiện, vết bầm tím sẽ biến mất.

3. Một số lưu ý khi dùng rau răm 

Mặc dù rau răm có nhiều tác dụng như vậy nhưng chúng cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ. Sau đây là những đối tượng không nên sử dụng rau răm:

  • Rau răm làm giảm ham muốn, giảm chức năng sinh lý của đàn ông nếu ăn quá nhiều và thường xuyên.
  • Ăn rau răm có thể làm chậm kinh nguyệt hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới nếu ăn rau răm quá nhiều. Trong những ngày đèn đỏ bạn không nên ăn rau răm vì có thể gây rong huyết.
  • Phụ nữ có thai không nên ăn rau răm vì có thể gây sảy thai.
Phụ nữ có thai không nên ăn rau răm vì có thể gây sảy thai - Ảnh minh họa: Internet
  • Người gầy ốm cũng không nên ăn rau răm vì chúng có tính nóng.

Trên đây là câu trả lời cho thắc mắc 'Rau răm có tác dụng gì?'. Những bài thuốc trên mang tính chất tham khảo, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.