Vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp bởi sức đề kháng còn non kém. Tuy đây là căn bệnh không gây nguy hiểm và thường gặp nhưng các bậc phụ huynh đều rất lo lắng cho sức khỏe của bé.

Bên cạnh đó, cách xử lý và chăm sóc trẻ khi mắc bệnh đúng cách cũng là điều được các phụ huynh đặc biệt quan tâm bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến tình trạng cảm lạnh của bé trầm trọng hơn, thậm chí dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Theo đó, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số lưu ý khi trẻ bị cảm lạnh mà bạn nên tham khảo.

Chăm sóc trẻ đúng cách đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cảm lạnh ở trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Khi trẻ bị cảm lạnh, bố mẹ nên sớm đưa con đến bệnh viện để thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị hợp lý nhất và tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho bé uống tại nhà.

Tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ

Theo đó, nếu cảm lạnh ở thể nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc trẻ trong vòng khoảng 7 - 10 ngày là khỏi. Còn nếu nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị tại nhà hoặc cho bé nhập viện tùy theo tình trạng bệnh.

Nhiệt độ phòng luôn ổn định

Nhiệt độ phòng cũng đóng vai trò khá quan trọng trong thời gian điều trị cảm lạnh ở trẻ. Theo đó, cần giữ nhiệt độ ổn định và độ ẩm phù hợp, đồng thời có thể dùng máy để tăng độ ẩm cho không khí và nên mở các cửa trong nhà khoảng 2 lần/ngày để không khí được lưu thông. Bên cạnh đó, không nên cho trẻ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày.

Nơi ở thoáng mát, sạch sẽ sẻ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ở trẻ, đặc biệt là cảm lạnh. Ảnh minh họa: Internet

Làm gì khi trẻ bị sốt?

Khi bị cảm lạnh trẻ còn thường bị sốt nên bố mẹ cũng cần chú ý một số vấn đề như: Khi trẻ sốt dưới 38,5 thì chưa nhất thiết phải dùng thuốc cảm hay hạ sốt, còn ngược lại thì nên cho con uống hạ sốt và cởi bỏ bớt quần áo, lau mát và cho trẻ uống nhiều nước.

Nếu cho trẻ uống hạ sốt thì nên cách nhau từ 4 - 6 tiếng mới uống lại, một ngày không nên uống quá 5 lần và thuốc sẽ có tác dụng sau 20 - 30 phút. Tuy nhiên, cần lưu ý nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi quyết định cho trẻ uống thuốc hạ sốt để tránh tác dụng phụ của thuốc.

Nên cho trẻ ngủ nhiều hơn

Tình trạng cảm lạnh sẽ khiến cơ thể bé mệt mỏi, do vậy nên hạn chế vận động nhiều trong thời gian này. Đồng thời, nên cho bé ngủ nhiều hơn bình thường để sức khỏe cũng như sức đề kháng nhanh phục hồi.

Dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ

Khi trẻ bị cảm lạnh, nên tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ qua các loại thực phẩm đa dạng và giàu dưỡng chất để tăng hệ miễn dịch. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo lượng sữa hàng ngày của trẻ, tăng cường thêm rau và trái cây.

Khi trẻ bị cảm lạnh, bố mẹ nên tăng cường bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ảnh minh họa: Internet

Trẻ ngạt mũi phải làm sao?

Nên cho trẻ nằm gối đầu trên gối hoặc khăn mỏng nhưng không được quá cao để giảm thiểu tình trạng ngạt mũi khi trẻ bị cảm lạnh. Lưu ý, trẻ dưới 2 tuổi thì không nên nằm gối bởi khi dùng gối trẻ có thể bị nghẹt thở khi xoay đầu, làm thân nhiệt tăng lên gây bong gân cổ và khiến đầu bé bị bẹt nếu nằm gối lâu, thậm chí gây tử vong.

Trường hợp dịch mũi đặc và có nhiều rỉ mũi thì nên nhỏ nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi khoảng 2 - 3 giọt, sau đó chờ nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi thì nhẹ nhàng day mũi trẻ để rỉ bong ra. Còn nếu dịch mũi quá đặc thì có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút và không nên lạm dụng để tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi.

Uống nhiều nước và sữa

Nếu trẻ bị cảm lạnh thì bố mẹ nên tăng cường bổ sung nước và cho trẻ ăn nhiều trái cây hoặc nước ép từ: Táo, cam, cà rốt,... để tăng sức đề kháng.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi đông người

Những nơi đông đúc, không khí ô nhiễm là môi trường rất dễ lây các bệnh về đường hô hấp. Nếu gia đình có người bị cảm lành thì tránh cho tiếp xúc với trẻ, thậm chí nên đeo khẩu trang khi ở gần trẻ.