10 ngày qua, hệ thống điều trị Covid-19 TP HCM có sự tham gia của 4 bệnh viện mới, gồm một nửa Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi theo mô hình "tách đôi", khối nhà riêng biệt tại Nhi đồng 2 và hai bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn là Điều trị Covid-19 Trưng Vương, Điều trị Covid-19 Củ Chi.

Đại diện Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 19/6, sau khi chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Trưng Vương, chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần can thiệp chuyên sâu.

Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, với 100 giường hồi sức. Sau 4 ngày hoạt động, nơi này đang điều trị hơn 200 ca, trong đó có hơn 20 bệnh nhi. Ngoài lực lượng y bác sĩ điều trị tại chỗ, Sở Y tế TP HCM cũng đang cử các bệnh viện khác đến hỗ trợ, riêng nhi khoa do Bệnh viện Nhi đồng 1 đảm trách.

Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết bệnh viện đang điều trị 372 ca, trong đó 8 trường hợp nặng điều trị hồi sức tích cực (ICU), ba ca phải thở máy. "Đợt này nhiều người mắc Covid-19 có sẵn bệnh nền, nên nguy cơ chuyển nặng cao", bác sĩ Xuân nói. Nơi này cũng đang điều trị 25 bệnh nhi.

Bệnh viện có quy mô 500 giường, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực, hoạt động từ ngày 12/6 trên cơ sở chuyển đổi công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi. Nơi này được phân công tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, các trường hợp bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa...

Ngoài cán bộ công nhân viên công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi được cơ cấu lại phù hợp, ngành y tế cũng huy động các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ. Các bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng kết nối hỗ trợ, tập huấn trực tuyến.

"Đơn vị điều trị Covid-19 trẻ em" tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng bắt đầu tiếp nhận bệnh nhi Covid-19 từ 5 ngày nay, hiện sử dụng hết công suất 60 giường bệnh. Nơi này được bố trí tại một góc khuôn viên riêng, tách biệt hẳn với các khu khác, rào chắn, lối đi riêng và cửa cổng ra vào riêng. Các hoạt động khám chữa bệnh đối với bệnh nhi khác vẫn diễn ra bình thường, có cổng ra vào riêng, không đi chung với khu điều trị Covid-19.

Tại đây, các y bác sĩ chia thành ba tổ thay nhau làm nhiệm vụ. Mỗi tổ làm việc xuyên suốt một tuần, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đầy đủ theo quy định trước khi về nhà. Bệnh viện còn bố trí khu ăn, ở và sinh hoạt cho nhân viên đảm bảo sức khỏe trong suốt thời gian làm việc tại đây, cũng như phục vụ các nhu cầu khác của bệnh nhi và thân nhân.

Ảnh minh họa: InternetĐơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch "tách đôi" với một nửa chuyên điều trị Covid-19 từ ngày 13/6, quy mô 500 giường, với khoa hồi sức 60 giường, cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng từ các nơi chuyển đến. Bệnh viện tách thành hai khu vực riêng biệt, hiện một nửa còn lại vẫn tiếp tục điều trị bệnh nhân lao, bệnh phổi không do lao.

Số giường điều trị Covid ở TP HCM hiện đạt công suất 3.500. Ngoài 4 nơi trên ra, TP HCM đang điều trị Covid-19 ở 5 bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân trước đó, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt (quy mô 400 giường), Dã chiến Củ Chi (300 giường, với 10 giường hồi sức cấp cứu), Điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường, đơn vị hồi sức 20 giường), Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế, 100 giường hồi sức để tiếp nhận điều trị các trường hợp bệnh nặng), Nhi đồng thành phố (80 giường, với 20 giường hồi sức).

Hiện, thành phố áp dụng hai mô hình cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19. Một mô hình là các bệnh viện dã chiến, trưng dụng từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế để cách ly điều trị người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Mô hình còn lại là các bệnh viện được tạm thời chuyển đổi công năng để chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng đòi hỏi các can thiệp điều trị chuyên khoa, nhất là kèm các bệnh lý khác như chạy thận nhân tạo... Do đó thành phố chọn các bệnh viện để chuyển đổi công năng cần có đủ các chuyên khoa nhằm tránh chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các bệnh viện không có chức năng cách ly điều trị.

Do tính lây nhiễm cao trong đợt dịch này, người bệnh phải được điều trị tại các bệnh viện chỉ chuyên tiếp nhận Covid-19, không bố trí lẫn lộn trong một bệnh viện đa khoa, ngoại trừ mô hình "bệnh viện tách đôi". Mô hình tách đôi áp dụng với những bệnh viện đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi thành hai nửa riêng biệt như hai bệnh viện độc lập cả về cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế.

Họp báo về diễn biến tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố, chiều 19/6, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức khẳng định nguồn lực y tế của thành phố vẫn đáp ứng tốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chưa cần chi viện từ các địa phương khác.

TP HCM đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó trong tình huống dịch bùng phát 5.000 ca nhiễm Covid-19 cần điều trị, với 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở. Khi đó, những ca nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 nói trên và tăng cường thêm các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết hiện thành phố vẫn đảm bảo trang thiết bị, máy móc cho điều trị Covid-19. Thành phố hiện có 16 máy ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, là phương tiện quan trọng với trường hợp viêm phổi nặng do Covid-19) nằm rải rác các bệnh viện và hàng trăm máy thở.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ngày 19/6 yêu cầu TP HCM chuẩn bị sẵn sàng kịch bản có 5.000 ca nhiễm, phối hợp cùng quân đội lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế sẽ viện trợ thành phố một số trang thiết bị cần thiết như thiết bị oxy dòng cao, máy thở; phối hợp phương án mua sắm các hệ thống ECMO để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nặng.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống Covid-19, cũng đánh giá TP HCM hoàn toàn có thể đáp ứng được việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng.

Theo ông Sơn, khi số ca nhiễm gần đến 5.000 ca, thành phố phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca. "Phải tính toán gối đầu phương án để huy động các nguồn lực nhưng không thể biến chuyển các phương án đột ngột", ông Sơn phân tích.

Hôm qua, số ca mắc theo ngày của TP HCM lập đỉnh với 166 trường hợp, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện cách đây một năm rưỡi. Liên tiếp trong 5 ngày, số ca nhiễm của TP HCM vượt mốc 100, với 137 ca ngày 17/6, các ngày tiếp theo là 149, 135, 137. Tính đến trưa nay, số ca cộng đồng trong đợt dịch này lên 1.857.