Đối với những bà bầu thèm ăn ngọt, mít là loại trái cây ưa thích với hương thơm đặc trưng có thể giải cứu cơn đói tức thì. Các bác sĩ sản khoa cho biết phụ nữ mang thai có thể ăn hầu như tất cả các loại trái cây kể cả mít với số lượng nhất định. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vẫn e ngại việc ăn mít có thể gây nóng trong hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.

Vị thơm ngọt của mít luôn hấp dẫn bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Theo nghiên cứu, trong mít chứa đến 23,25g carbohydrate; 1,72g protein; 1,5g chất xơ; axit folic; vitamin A, vitamin nhóm B; các khoáng chất thiết yếu như: kali, natri, canxi, magie, photpho, kẽm, sắt… Trang MomJunction đã liệt kê 8 ích lợi và 4 tác dụng phụ khi mẹ bầu ăn loại trái cây này để chị em tự tin hơn với thói quen ăn uống khi mang thai.

8 ích lợi của mít đối với bà bầu

Cải thiện khả năng miễn dịch

Mít rất giàu vitamin A, B,C giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bà bầu. Từ đó giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong thai kỳ.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Mít giàu chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Hàm lượng chất xơ trong quả mít chiếm tỉ lệ cao sẽ giảm nguy cơ táo bón, kích thích nhu động ruột giúp hệ tiêu hóa mẹ bầu hoạt động tốt hơn.

Ổn định huyết áp

Nguồn kali lý tưởng trong quả mít sẽ giúp ổn định huyết áp ở phụ nữ có thai. Ăn mít thường xuyên còn hỗ trợ bà bầu phòng ngừa các bệnh tim mạch.

Ngăn ngừa thiếu máu thai kỳ

Trong mít còn chứa nhiều folate và sắt. Hai dưỡng chất này giúp ổn định lượng hemoglobin trong hồng cầu, giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ cho các chị em.

Giúp xương chắc khỏe

Ăn mít thường xuyên giúp bà bầu bổ sung nguồn magie tốt cho hệ xương - Ảnh minh họa: Internet

Thành phần magie trong quả mít đóng vai trò quan trọng đối với hệ xương của mẹ bầu và thai nhi. Nguyên tố magie giúp cải thiện độ rắn chắc của xương, phòng ngừa nguy cơ loãng xương thường gặp.

Cung cấp năng lượng

Cơ thể mẹ bầu sẽ được cung cấp thêm năng lượng nhờ lượng đường tự nhiên fructose và sucrose trong mít. Chị em sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn khi phải hoạt động cả ngày.

Hỗ trợ sự phát triển của thai nhi

Vitamin A trong quả mít có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển thị lực và các tế bào ở thai nhi. Ăn một lượng mít vừa phải sẽ giúp bé có đôi mắt sáng hơn khi chào đời.

Bà bầu ăn nhiều mít gặp phải tác dụng phụ gì?

Mít giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe bà bầu. Tuy nhiên, tiêu thụ với số lượng lớn có thể dẫn đến những tác dụng phụ sau:

Nguy cơ gây dị ứng

Nếu bạn chưa từng ăn mít trước đó thì không nên thử lần đầu tiên trong thai kỳ. Một số bà bầu sẽ bị dị ứng khi ăn loại trái cây này.

Đầy bụng

Mít giàu chất xơ cũng có thể khiến mẹ bầu bị đầy bụng nếu ăn quá nhiều - Ảnh minh họa: Internet

Hàm lượng chất xơ trong mít cao có thể khiến bà bầu bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy nếu ăn với số lượng lớn.

Tăng nguy cơ đông máu

Bà bầu gặp các chứng rối loạn máu nên kiêng ăn mít khi mang thai vì mít có khả năng làm tăng quá trình đông máu trong cơ thể.

Tăng lượng đường trong máu

Mít có thể làm gia tăng nồng độ đường trong máu ở bà bầu do lượng đường tự nhiên cao. Vì vậy, bà bầu mắc chứng tiểu đường thai kỳ nên hạn chế ăn mít.