Bệnh tiểu đường là gì?

Hiện nay, bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là căn bệnh phổ biến trên thế giới và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới. Theo thống kê, ở nước ta có hơn 3,53 triệu người đang phải đối mặt với bệnh tiểu đường, dẫn tới tử vong của căn bệnh này mỗi năm là 29.000 ca. 

Bệnh đái tháo đường ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam - Ảnh minh họa: Internet

Đây là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Tiểu đường được chia làm hai loại là tiểu đường type 1 và tiểu đường type loại 2. 

Tiểu đường type 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tuỵ không sản xuất insulin, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.

Tiểu đường type 2: Những người này bị đề kháng với insulin, nghĩa là cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hoá được glucose, dẫn tới tích tụ đường trong máu làm đường huyết tăng cao. Đái tháo đường type 2 thường chiếm 80 - 90% tổng số bệnh nhân đái tháo đường.

Nguyên nhân bệnh tiểu đường có thể do di truyền, lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo, tinh bột, thừa cân béo phì…là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường.

Các biến chứng của bệnh thường phát triển dần dần, nếu bạn mắc bệnh càng lâu và không kiểm soát lượng đường trong máu thì nguy cơ các biến chứng càng cao. Những biến chứng thường gặp như tổn thương thận, mắt, da, cao huyết áp, tim mạch… Đây được coi là căn bệnh nguy hiểm đứng thứ ba sau ung thư và tim mạch. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao hơn 2 - 3 lần so với người bình thường

Cần nhận biết sớm các triệu chứng đái tháo đường để điều trị và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Biểu hiện dễ nhận biết bệnh đái tháo đường

Một số người có thể bị tiểu đường trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm mà không nhận ra mình bị bệnh vì có những dấu hiệu không đáng kể.

Tuy nhiên, việc nhận biết các triệu chứng đái tháo đường sớm sẽ giúp bạn quyết định thực hiện các xét nghiệm và gặp bác sĩ chuyên môn để chẩn đoán bệnh sớm nhất.

Đi tiểu thường xuyên

Đây là triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu mà người bệnh hay gặp. Nếu số lần đi vệ sinh trong một ngày lớn hơn số 7 có thể bạn đã mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do cơ thể muốn loại bỏ lượng đường thừa nên thận hoạt động mạnh hơn, từ đó đi tiểu thường xuyên hơn.

Liên tục khát nước

Khi lượng đường trong máu bạn tăng cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.

Dấu hiệu khát nước thường xuyên có thể cảnh báo bạn đang bị đáo thái đường không nên chủ quan - Ảnh minh họa: Internet

Sụt cân bất thường

Đái tháo đường khiến cơ thể không chuyển hoá năng lượng từ thức ăn, buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ dẫn đến sụt cân.

Nếu như bạn ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân thì rất có thể bạn đang có biểu hiện của bệnh tiểu đường tuýp 1.

Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm

Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm.

Nhiễm trùng có thể phát triển ở bất kỳ nếp gấp ấm và ẩm của da, bao gồm: giữa ngón tay và ngón chân, dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.

Do hệ miễn dịch suy giảm nên bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm - Ảnh minh họa: Internet

Vết loét hoặc vết cắt chậm lành

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương thần kinh khiến cơ thể khó chữa lành vết thương. Đau hoặc tê ở tứ chi, đây là một kết quả khác của tổn thương thần kinh.

Nếu vấn đề không được kiểm soát thì các tổn thương thần kinh sẽ là vĩnh viễn và gây nên những rối loạn nghiêm trọng khác.

Thị lực yếu đi

Mắt là một trong những bộ phận của cơ thể bị tác động nhiều nhất bởi bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực.

Mệt mỏi

Đây là triệu chứng bệnh tiểu đường giai đoạn đầu mà chúng ta không nên chủ quan. Do tế bào cơ thể khó hấp thụ glucose dẫn đến thiếu hụt năng lượng trong cơ thể, khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và mệt mỏi thường xuyên.

Khi nghi ngờ bạn có những dấu hiệu của bệnh đái tháo đường thì đừng ngần ngại hãy đến bác sĩ. Khi bệnh được điều trị sớm thì việc kiểm soát bệnh hiệu quả hơn, đây cũng là chìa khoá để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng hơn.

Đói bụng thường xuyên và mệt mỏi là triệu chứng đái tháo đường người bệnh hay gặp phải - Ảnh minh họa: Internet

Điều trị bệnh tiểu đường

Đái tháo đường là bệnh mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời với bệnh. Mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ. Ăn uống lành mạnh, tập luyện điều độ, khám sức khỏe định kỳ là 3 việc không bao giờ được quên đối với mỗi bệnh nhân đái tháo đường

Trong quá trình điều trị, người bệnh đái tháo đường không tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mua thuốc không rõ nguồn gốc để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu. Sử dụng thuốc tuỳ tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, tổn thương các cơ quan trong cơ thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.

Nhìn chung, việc điều trị bệnh đái tháo đường không quá phức tạp nhưng nó cần thời gian và tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường - Ảnh minh họa: Internet

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân nên lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ, omega - 3, giảm lượng tinh bột và đường trong khẩu phần ăn hằng ngày. Tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ và rượu bia, thuốc lá.

Tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày là liều thuốc tự nhiên rất hiệu quả với bệnh nhân tiểu đường. Bạn có thể lựa chọn các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, yoga... vừa giúp duy trì cân nặng, giảm mức đường huyết  và kiểm soát bệnh tốt hơn. Không chỉ vậy, tập thể dục nhiều hơn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giải toả căng thẳng, stress.

Trên đây là những triệu chứng đái tháo đường thường gặp giúp bạn trang bị thêm kiến thức để phòng ngừa và cải thiện sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Sự hiểu biết và kiểm soát các triệu chứng cũng như biến chứng của bệnh giúp bạn có một cuộc sống lành mạnh, vui khoẻ mỗi ngày.