6 trẻ ở Hà Nội tử vong sau khi mắc Adenovirus: Có phải dịch bệnh mới?
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa phát lên cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến trẻ mắc Adenovirus. Theo đó, số ca nhập viện vì nhiễm virus này tăng mạnh từ tháng 8, đến nay đã 6 trường hợp tử vong.
Điều này làm dấy lên tâm lý lo ngại trong cộng đồng về việc bùng phát dịch bệnh mới, trong bối cảnh các dịch bệnh như sốt xuất huyết, Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Đồng thời, dịch sởi có nguy cơ xảy ra bởi tình trạng thiếu nguồn cung ứng vaccine.
Adenovirus có phải là virus mới?
Chia sẻ về vấn đề trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, Adenovirus không phải là virus mới, nếu là bác sĩ chuyên khoa nhi hay hô hấp đều biết rõ về loại virus này.
Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953, từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này thuộc họ Adenoviridae, được chia thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (gồm cả con người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno.
Theo bác sĩ Khanh, giống như RSV (virus hợp bào) và cúm, Adenovirus thường hoạt động quanh năm, gây bệnh hô hấp ở con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tùy theo thể trạng cụ thể, trẻ khi nhiễm Adenovirus sẽ có các triệu chứng như nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp.
Có trẻ diễn tiến nhẹ nhàng, nhưng có trẻ biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt tới mức phải đi viện. "Thông thường, trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc" - bác sĩ Khanh phân tích.
Cũng theo chuyên gia truyền nhiễm, bệnh do Adenovirus gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus, vì đa số bệnh nhân sẽ tự hết. Virus này cũng chưa được làm vaccine, vì có khá nhiều chủng.
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, hằng năm cứ đến mùa bệnh hô hấp, thời tiết thay đổi, chủng virus Adeno hoặc RSV thường xuất hiện. Một số bệnh viện nếu có làm test nhanh và PCR sẽ phát hiện ra, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện không có thuốc thử. Thống kê trong thời điểm hiện tại, tỷ lệ trẻ bị viêm phổi do nhiễm siêu vi nói chung có tăng, nhưng không có gì bất thường.
Các bác sĩ chia sẻ, việc bệnh nhân có được làm xét nghiệm để xác định nhiễm Adenovirus hay không cũng không tác động đến hướng điều trị, vì triệu chứng bệnh không có gì đặc hiệu.
Adenovirus có thể gây ra những bệnh gì?
Ngoài gây bệnh ở đường hô hấp (viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi), bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, Adenovirus cũng là tác nhân gây ra những đợt dịch đau mắt đỏ.
Theo đó, Adenovirus thường tạo thành dịch đau mắt đỏ vào mùa hè, do lây qua nước ở hồ bơi. Biểu hiện bệnh là xuất hiện kết mạc mắt đỏ ở một hay cả hai bên mắt, có chảy dịch trong. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể bội nhiễm vi khuẩn.
Ngoài ra, virus này cũng gây bệnh viêm dạ dày, viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai.
Theo Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), cách đây vài tháng Adenovirus cũng từng bị đưa vào diện nghi ngờ để điều tra nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn "hậu Covid-19", khi có khoảng 70% trường hợp người bệnh có kết quả dương tính với virus này.
Một số giả thuyết đã được đưa ra về việc Adenovirus đã thay đổi cách thức sinh bệnh học trong dịch Covid-19 để gây bệnh viêm gan ở cả trẻ suy giảm miễn dịch và trẻ khỏe mạnh. Trong đó, Adenovirus type 41 là "nghi phạm" hàng đầu. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có bằng chứng xác thực về giả thuyết trên.
Vì chưa có vaccine, chuyên gia cho biết cách phòng ngừa Adenovirus vẫn là rửa tay, đeo khẩu trang, uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Người lớn khi bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ để không gây lây bệnh.
Ngoài ra, cũng cần tiêm mũi 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) và vaccine ngừa phế cầu, cúm cho trẻ, để nếu chẳng may bị nhiễm Adenovirus không bị nhiễm thêm các bệnh nguy hiểm khác.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, đội như thế nào, chất liệu mũ ra sao cũng cần đặc biệt chú ý.
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn so với các nước Âu Mỹ nhưng tỷ lệ gãy xương lại tương đối thấp.
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, bạn luôn có thể ngăn chặn điều đó. Với mẹo tránh 7 sai lầm trong chế độ ăn uống dưới đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhé!