Dị ứng thực phẩm là một vấn đề ngày càng tăng đối với trẻ em ở khắp mọi nơi. Khoảng 8% trẻ em bị dị ứng thực phẩm, cứ khoảng 13 trẻ thì có một trẻ bị dị ứng thực phẩm.  Mặc dù một số trường hợp có triệu chứng dị ứng nhẹ hơn, nhưng tất cả các trường hợp dị ứng thực phẩm đều có nguy cơ sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hơn 40% trẻ em bị dị ứng thực phẩm cuối cùng phải đến phòng cấp cứu.

Mặc dù trẻ có khả năng bị dị ứng thực phẩm cao hơn nếu trong gia đình có người bị dị ứng, nhưng rất khó để biết con bạn có bị dị ứng hay không, tình trạng nặng nhẹ như thế nào. Đó là lý do tại sao bạn cần tìm hiểu những loại dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em, những triệu chứng cần tìm và phải làm gì nếu con bạn bị dị ứng thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em là gì?

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), có khoảng sáu loại thực phẩm khác nhau gây ra 90% trường hợp dị ứng ở trẻ em. Đó là sữa, trứng, đậu nành, lúa mì, các loại hạt và các loại hạt cây.

Sữa bò

Dị ứng sữa là một trong những dị ứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, một phần là do hầu hết trẻ nhỏ đều được tiếp xúc với sữa ngay từ khi còn nhỏ. Purvi Parikh, một nhà miễn dịch học của Mạng lưới Dị ứng & Hen suyễn, cho biết rằng trong số các loại dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ em, dị ứng sữa và trứng là phổ biến nhất.

Dị ứng sữa bò trước tiên có thể có những biểu hiện như rối loạn tiêu hóa ở trẻ đang uống sữa có công thức làm từ sữa bò hoặc trẻ tiếp xúc với protein sữa bò qua sữa mẹ. Những trẻ này có thể bị nôn sau khi bú và có thể có các triệu chứng đầy hơi hoặc đau bụng. Em bé cũng có thể bị ngứa da hoặc các triệu chứng chàm như phát ban, mẩn đỏ, mụn nước, ... Nổi mề đay hoặc các vấn đề về hô hấp cũng có thể xảy ra ở một số trẻ em.

Trứng

Cùng với sữa bò, dị ứng trứng cũng là một trong những dị ứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Hầu hết những người bị dị ứng với trứng, thường dị ứng với lòng trắng trứng hơn là lòng đỏ trứng. Nhưng vì hầu như không thể ăn lòng đỏ tách hoàn toàn khỏi lòng trắng trứng, nên các chuyên gia khuyên rằng tốt nhất không nên cho trẻ ăn trứng.

Triệu chứng của dị ứng trứng tương tự như các triệu chứng dị ứng thông thường khác như phát ban, da bị sưng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngoài ra có những triệu chứng nguy hiểm hơn như khó thở, thắt cổ họng. Đó là những là những triệu chứng khẩn cấp và cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu.

Đậu nành

Dị ứng đậu nành ở trẻ em có một số triệu chứng tương tự như dị ứng sữa bò như đau bụng, quấy khóc và rối loạn tiêu hóa. Một số trẻ bị dị ứng với đậu nành còn phát hiện máu trong phân.

Các bậc cha mẹ chuyển sang sữa làm từ đậu nành sau khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng sữa bò và đôi khi họ nhận thấy rằng trẻ cũng bị dị ứng với đậu nành. Trong những trường hợp này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về để được tư vấn về một công thức sữa phù hợp với trẻ mà không phải là sữa đậu nành hoặc sữa bò.

Lúa mì

Dị ứng lúa mì có thể xảy ra khi lúa mì lần đầu tiên trẻ được tiếp xúc với lúa mì, thường là qua dạng ngũ cốc trẻ em làm từ lúa mì.

Các loại thực phẩm chứa lúa mì thông thường khác mà trẻ em ăn gồm có bánh mì hoặc mì ống. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng các sản phẩm không phải thực phẩm như bột nặn đất sét và một số sản phẩm tắm nhất định có thể chứa thành phần lúa mì. Do đó cha mẹ cũng cần lưu ý giữ những sản phẩm xa trẻ bị dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng lúa mì như phát ban, ngứa da, hắt hơi, ngạt mũi và các triệu chứng giống như hen suyễn. Giống như tất cả các trường hợp dị ứng thực phẩm, khi trẻ bị dị ứng lúa mì cũng có thể xảy ra phản ứng phản vệ. Một số trẻ có thể bị dị ứng cụ thể với thành phần gluten của các sản phẩm lúa mì. Đây được gọi là bệnh celiac, bệnh không dung nạp gluten hoặc dị ứng với gluten. Nếu tiếp xúc liên tục với gluten có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa và cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng.

Phản ứng phản vệ (hay sốc phản vệ) là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Những triệu chứng và dấu hiệu của phản vệ bao gồm:

Phản ứng ở da như nổi mề đay, ngứa, da đỏ rực hoặc tái nhợt

Tụt huyết áp

Co thắt đường thở và sưng lưỡi hoặc họng, có thể gây thở khò khè, khó thở

Mạch nhanh và yếu

Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy

Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Đậu phộng

Đậu phộng và các loại hạt cây thường được kết hợp với nhau, nhưng đậu phộng là cây họ đậu, giống như đậu nành và đậu Hà Lan. Dị ứng đậu phộng ít phổ biến hơn dị ứng sữa và trứng, có khoảng 2,5% trẻ em bị dị ứng đậu phộng và hiện nay con số đó đang tăng lên.

Một số triệu chứng dị ứng đậu phộng nhẹ như ngứa da, phát ban và các vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, dị ứng đậu phộng và hạt cây có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất ở trẻ em. Đậu phộng có khả năng gây phản ứng phản vệ ở trẻ em hơn các chất gây dị ứng thông thường khác.

Các loại hạt cây

Hạt cây bao gồm nhiều loại hạt như hạt óc chó, quả hồ đào, hạt điều, quả hạch Brazil, hạnh nhân và hạt phỉ. Một số trẻ chỉ bị dị ứng với một loại hạt cây cụ thể; một số trẻ khác bị dị ứng với một vài loại hạt cây khác nhau. Nếu biết trẻ bị dị ứng với loại hạt cụ thể nào, bạn nên giữ cho trẻ tránh xa tất cả các loại hạt đó.

Các triệu chứng của dị ứng hạt cây có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, nghẹt mũi, ngứa cổ họng và khó thở. Giống như đậu phộng, hạt cây có thể gây ra một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất ở trẻ em. Dị ứng hạt cây có khả năng khiến trẻ bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng cao hơn các loại dị ứng thông thường khác.