Khó mang thai sau 35 tuổi

Theo tạp chí Best Life, các chuyên gia cho hay dù khả năng sinh sản của phụ nữ giảm theo độ tuổi, tuy nhiên nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người từ 35 tuổi trở lên vẫn có thể mang thai bình thường.

 

Cụ thể, một nghiên cứu đặc biệt do Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) thực hiện cho thấy những phụ nữ ở độ tuổi 38 và 39 tuổi không gặp vấn đề gì trong quá trình thụ thai tự nhiên.

Ảnh minh họa

Dữ liệu từ Báo cáo Thống kê Quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy năm 2018, tỷ lệ sinh ở phụ nữ từ 35 đến 39 tuổi là 52,6 ca trên 1.000 phụ nữ và 11,8 ca trên 1.000 phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý là tỷ lệ sẩy thai và tỷ lệ dị tật bẩm sinh cũng tăng theo độ tuổi đối với cả nam và nữ giới. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy tỷ lệ sẩy thai tăng cao đối với phụ nữ sau 30 tuổi, lên tới hơn 50% đối với phụ nữ trên 45 tuổi.

Ngoài ra, mang thai sau 35 tuổi còn có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật, chuyển dạ sớm và sinh non.

Nằm ngửa khi quan hệ dễ thụ thai hơn

Một nghiên cứu hồi năm 2014 được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility cho thấy 40% phụ nữ tin rằng việc nằm ngửa với xương chậu nâng cao khi quan hệ tình dục sẽ giúp việc thụ thai dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay trọng lực hoàn toàn không tác động đến khả năng mang tinh trùng đến trứng hay tăng khả năng thụ thai.

Trễ kinh có nghĩa là mang thai

Thông thường, nếu quá 35 ngày kể từ kỳ kinh nguyệt gần nhất mà chị em vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại được coi là trễ kinh. Nhiều người mặc định trễ kinh là dấu hiệu mang thai. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác.

Theo trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic (Mỹ), các yếu tố khác cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều, chẳng hạn như mức độ căng thẳng cao, tập thể dục quá mức hoặc sụt cân nghiêm trọng.

Ngoài ra, phụ nữ đang trong độ tuổi mới bắt đầu có kinh nguyệt (tuổi dậy thì) và khi cơ thể bước sang tuổi mãn kinh cũng dễ gặp tình trạng kinh nguyệt không đều. Khi trải qua những mốc thay đổi này, chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới có thể trở nên bất thường, bao gồm cả chậm kinh.

Ảnh minh họa

Cho con bú khiến ngực chảy xệ

Một số phụ nữ từ bỏ việc cho con bú vì lo lắng ngực sẽ chảy xệ. Trên thực tế, nó không liên quan gì đến hình dáng ngực của phụ nữ.

Một nghiên cứu năm 2007 của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ HealthCare Vương quốc Anh cho thấy việc cho con bú không làm thay đổi hình dáng của bộ ngực mà là các yếu tố khác như tuổi tác, số lần mang thai và lối sống có lành mạnh hay không.

Trong đó, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây mất vẻ đẹp vòng 1 thường được nhắc đến. Một nghiên cứu ở Mỹ kéo dài trên 8 năm cho thấy, hút thuốc lá tác động tiêu cực đến phong độ vòng 1. Các hợp chất độc hại trong khói thuốc lá huỷ hoại cấu trúc sợi elastin, thành phần đảm bảo độ săn chắc cặp bồng đảo. Elastin sẵn có trong mô liên kết cùng collagen.

Không thể mang thai trong kỳ kinh nguyệt

Nhiều người tin rằng mình có thể quan hệ tình dục không cần dùng biện pháp bảo vệ khi còn trong kỳ kinh nguyệt vì lúc này cơ thể phụ nữ không có khả năng mang thai, nhưng điều này là không đúng.

Theo các chuyên gia y tế, vì tinh trùng có thể sống và hoạt động trong cơ thể phụ nữ tới 5 ngày, nên phụ nữ vẫn có khả năng mang thai sau khi hết hành kinh và rụng trứng. Dù tỷ lệ này là thấp nhưng không có nghĩa là không thể.

Ảnh minh họa

Đẻ mổ nhanh lấy lại dáng hơn đẻ thường

Ngày nay, nhiều bà mẹ chọn cách đẻ mổ vì độ an toàn cao, ít đau đớn, ít ảnh hưởng đến chất lượng đời sống chăn gối sau khi sinh, mau chóng về lại dáng và có thể chọn giờ đẹp để con chào đời.

Tuy nhiên, việc đẻ mổ không hoàn toàn “tuyệt vời” đến vậy. Đẻ mổ giúp người mẹ hạn chế những cơn đau khi lâm bồn nhưng không có cơ sở khoa học chứng minh rằng những bà mẹ sinh mổ thì về dáng nhanh hơn so với những người sinh thường. Do cơ địa từng người, những cơn đau sau sinh với mỗi người cũng có thể khác nhau cho dù là sinh thường hay sinh mổ.

Một số người còn cho rằng các em bé chào đời bằng phương pháp đẻ mổ thường có sức miễn dịch kém hơn các em bé chào đời bằng phương pháp đẻ thường vì khi đẻ mổ, các em bé sẽ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi trong âm đạo người mẹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa đồng nhất về quan điểm này.