Sau khi sinh, người mẹ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi, từ việc làm quen với việc chăm sóc thiên thần nhí, nhiều mẹ còn khủng hoảng khi cơ thể khác đi một cách chóng mặt. Lựa chọn ở nhà chăm con đã là sự hy sinh lớn lao, tuy nhiên nhiều mẹ chấp nhận lùi về chăm sóc gia đình, tạm thời gác lại sự nghiệp.

Không những bị coi thường vì phụ thuộc kinh tế, áp lực vì quanh quẩn trong nhà, hàng ngày làm bạn với việc chăm sóc con nhỏ, họ còn có rất nhiều nỗi niềm khó nói khác. Vì vậy, nếu là một người chồng tinh tế, yêu thương vợ con, đừng bao giờ nói những câu dễ làm tổn thương vợ.

 
 

1. Làm mẹ mà lại để cho con ốm suốt thế?

Phải thừa nhận rằng những lúc con ốm, cuộc sống của gia đình gần như đảo lộn. Những đêm phải thức chăm con, cho bé uống thuốc khiến 2 vợ chồng gần như kiệt sức, chưa kể phải dậy sớm để đi làm vào sáng ngày hôm sau. Chính vì vậy, con ốm là điều không ai mong muốn. Thế nhưng với cơ thể non nớt, ốm cũng là cách con phản ứng lại với những biến đổi của thiên nhiên, thời tiết và là một điều không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, thay vì trách móc, hãy cố gắng đồng hành cùng vợ trên hành trình chăm sóc con. Đừng chỉ trích hay khó chịu mà thốt ra những lời khiến vợ bị tổn thương. Con ốm đã khiến cho tinh thần người mẹ mệt mỏi và chẳng ai muốn điều này xảy ra cả.

Nghe câu nói này, bất cứ người mẹ nào cũng cảm thấy tổn thương chứ không riêng gì các mẹ ở nhà chăm con hoàn toàn. Bởi họ đã dành hết tâm huyết, thời gian để có thể chăm sóc con vậy mà lại bị dội cho gáo nước lạnh.

2. Anh đã làm việc vất vả cả ngày trời, giờ anh cần được ngủ

Người chồng phải ra ngoài cả ngày để đi làm nên chắc chắn cơ thể sẽ rất mệt mỏi, khó tỉnh táo vào ban đêm. Việc họ stress cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, thay vì dồn hết mọi việc cho vợ, sự quan tâm, tinh tế của người chồng sẽ động viên vợ rất nhiều.

Hơn nữa, người bố cũng có trách nhiệm trong việc chăm sóc con, không thể giao mọi thứ cho vợ mình được. Thay vào đó, có thể phân chia mỗi người ngủ trong bao nhiêu tiếng, thời gian còn lại luân phiên thay nhau chăm sóc bé, như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Hãy tưởng tượng trong khi bạn đang ngủ ngon, vợ trằn trọc ôm con một mình, sẽ cô đơn biết bao.

3. Hôm nay em tự đưa con đi chơi đi, anh có lịch nhậu với đồng nghiệp rồi

Lên kế hoạch đưa con đi chơi vào ngày rảnh rỗi, cuối tuần là điều mà bất kì gia đình nào cũng nên làm. Đi chơi không chỉ giúp xả stress, những mệt mỏi, căng thẳng suốt một tuần làm việc mà còn cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đừng nên bỏ lỡ cơ hội này nhé các ông bố.

Khi lịch hẹn đã lên mà bị từ chối, không ai cảm thấy thoải mái cả. Thậm chí người vợ có chút hụt hẫng, buồn rầu vì chồng dành thời gian ít ỏi cuối tuần cho những cuộc vui chứ không phải là vợ con. Như vậy khiến cuộc sống gia đình khó bền vững.

4. Bao giờ thì em mới giảm được cân vậy?

Ở nhà trông con, quẩn quanh cả ngày công việc bỉm sữa, việc nhà, lo toan và hàng ngàn áp lực... thì lấy đâu ra thời gian để phấn son, váy vóc hay chăm sóc bản thân mình. Thế nên đừng nói những câu phán xét như thế với các mẹ ở nhà chăm con, đặc biệt khi bạn lại là người quan trọng nhất trong cuộc đời của cô ấy. Câu nói đó sẽ khiến các mẹ tủi thân, thu mình vào và trầm cảm hơn. Nếu có ý tốt, hãy chia sẻ với họ những nỗi niềm của người phụ nữ chọn ở nhà trông con.

5. Cả ngày ở nhà em làm gì vậy?

Ở nhà trông con đâu chỉ gồm mỗi việc trông con mà còn là 1001 những công việc không tên khác. Chỉ cần ở nhà chăm con một ngày, ai cũng sẽ hiểu "ở nhà làm gì mà..." là vất vả, mệt nhọc và kiệt sức ra sao. Bởi việc ở nhà chăm con, lại cáng đáng biết bao công việc không tên, từ giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng... với "cái đuôi" luôn kề kề bên cạnh đã khiến những mẹ đủ kiệt quệ rồi. Thế nên đừng khiến họ đau lòng hơn nữa bằng câu nói đó nhé các ông chồng.

6. Mẹ nói em chăm con như thế này là không được

Không quá khó hiểu khi sự cách biệt thế hệ khiến quan điểm chăm sóc và nuôi nấng con nhỏ ít nhiều có sự thay đổi. Thế nên, đôi khi giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ xảy ra bất đồng. Là người đứng giữa, các ông chồng nên khéo léo lời nói không làm tổn thương cả mẹ và vợ của mình. Có thể góp ý nhẹ nhàng như "em thấy như vậy có tốt hơn không", hoặc "hay là như vậy có ổn hơn không em nhỉ"... thay vì ép vợ mình phải thay đổi quan điểm nuôi dạy con.

Ở nhà chăm con rất nhiều áp lực, hy vọng những người chồng sẽ biết sẻ chia, thấu hiểu thay vì phán xét, tỏ ra khó chịu với vợ của mình.