Ngày nay, sự phát triển ngày càng hiện đại của khoa học, kĩ thuật y tế đã giúp giảm rủi ro khi mang thai, sinh con và đồng thời tăng độ tuổi sinh nở an toàn lên nhiều so với trước đây. Chính vì vậy, nhiều người mẹ lựa chọn sinh thêm con dù đã bước qua tuổi 50. Tuy nhiên trên thực tế, việc sinh thêm một đứa trẻ cần cân nhắc rất nhiều vấn đề không chỉ là sức khỏe của mẹ.

Bà Dương (53 tuổi), sống tại Quý Châu, Trung Quốc đã về hưu sớm từ năm 50 tuổi. Bà có một con gái lớn đi làm xa nhà nên luôn cảm thấy cô đơn, nhàm chán. 

Sau khi thấy nhà nước hủy chính sách 1 con, cho phép sinh thêm, bà Dương nảy ra ý định đẻ thêm một bé cho vui cửa vui nhà. 

 

Bà Dương quyết định sinh thêm con cho "vui cửa vui nhà".

"Tôi vẫn còn khỏe, gia đình cũng không còn phải lo lắng về tài chính, tội gì mà không đẻ", bà Dương chia sẻ về quyết định sinh con. 

Tuy nhiên ý định này của bà lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cô con gái đầu lòng năm nay đã 27 tuổi. Cô cho biết mình chuẩn bị kết hôn, rồi sẽ sinh con và không muốn con trai và em trai lại cùng chào đời, sẽ thành trò cười cho mọi người. 

Vậy nhưng bỏ ngoài tai ý kiến của con gái, bà Dương vẫn quyết mang bầu. 

Trong suốt thai kỳ, bà Dương trải qua nhiều khó khăn. "Lần mang bầu đầu tiên cách đây hơn 20 năm, tôi nhớ là rất dễ dàng, khỏe mạnh. Vậy nhưng lần này thật sự rất khổ, vừa nôn nghén vừa không ăn uống được gì, người bị phù kém theo mất ngủ, đau lưng, đau xương khớp", bà Dương kể lại. Và vất vả hơn nữa là con gái vẫn giận nên không thường xuyên về nhà, chồng bà Dương thì còn công tác nên bà chỉ có một mình chịu đựng suốt 9 tháng 10 ngày, không được chăm sóc chu đáo. 

Em bé chào đời khiến bà Dương thêm vất vả và gia đình căng thẳng.

Sau khi đứa trẻ được sinh ra thì mọi thứ càng rối ren hơn. Con gái bà Dương vẫn giận mẹ chuyện kiên quyết sinh thêm em nên không về nhà giúp đỡ, chồng bà bận rộn, người thân trong gia đình cũng đều đã già yếu nên không có ai chăm sóc trong lúc bà ở cữ, thuê người thì quá đắt đỏ vì con gái chuẩn bị làm đám cưới. Một mình xoay sở với đứa con thơ khi tuổi đã không còn trẻ, lại vừa qua ca vượt cạn khiến bà Dương kiệt sức. 

Chứng kiến gia đình rơi vào mớ hỗn độn, bà Dương tâm sự với chồng: "Tôi sai rồi. Đáng lẽ ra nên bàn bạc kĩ hơn trước khi quyết định. Tôi nghĩ có thêm một đứa trẻ sẽ vui cửa vui nhà nhưng không ngờ cuối cùng càng thêm rối". 

Ưu nhược điểm khi mang thai sau tuổi 50

Ngày nay, có rất nhiều người nổi tiếng làm mẹ ở độ tuổi trên 35 hay thậm chí là ngoài 50. Việc mang thai muộn này có những ưu điểm riêng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro. 

Ưu điểm: 

- Người mẹ sống lâu hơn: Phụ nữ có con sau 50 tuổi thường sống lâu hơn, dù họ thụ thai tự nhiên hay thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

- Tài chính: Đây là giai đoạn mà tài chính của cả hai vợ chồng đều đã ổn định. Thậm chí, một nghiên cứu còn nhận thấy rằng thu nhập của người phụ nữ thường tăng từ 9 đến 10% mỗi năm nếu họ trì hoãn việc có con. Việc làm cha mẹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, đặc biệt là những cha mẹ đơn thân. Do đó, giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy vấn đề tài chính thoải mái hơn.

Có nhiều kinh nghiệm hơn: Một trong những ưu điểm của việc mang thai trễ đó chính là bạn đã biết được rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước. Bên cạnh đó, tâm lý của bạn đã vững vàng hơn rất nhiều, do đó bạn sẽ dễ dàng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của cha mẹ.

Hạn chế và nguy cơ: 

- Rủi ro về sức khỏe: Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro tồn tại. Mang thai muộn khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… Ngoài ra, bạn còn dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác.

- Các vấn đề về thể chất: Việc mang thai sẽ khá vất vả đối với những phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thời kỳ mang thai cũng khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.

- Đối với thai nhi: Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền. Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi.

- Tài chính và chăm con: Nếu như ở độ tuổi sau 50 bạn đã có tài chính ổn định thì bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác. Bạn vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc dù đã lớn tuổi trong khi những người bạn khác đã bắt đầu nghỉ hưu. Liệu bạn có thể có đủ sức khỏe để kiếm tiền và chăm sóc con được hay không? Thậm chí, những căn bệnh tuổi già còn tăng thêm gánh nặng cho bạn nữa.