Các quyết định tài chính khác nhau

Các cặp đôi gặp khó khăn về tài chính thường không có chung tầm nhìn tổng thể. Họ có những ưu tiên khác nhau về những gì quan trọng, chi tiêu khôn ngoan hoặc những ý tưởng khác nhau về cách tiêu tiền. Điều này có thể tạo ra mâu thuẫn ngay từ đầu và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Ví dụ một người muốn đi nghỉ xa hoa, trong khi người kia muốn tiết kiệm để mua nhà. Theo thời gian, người này khó chịu người kia, cho rằng họ đã keo kiệt hoặc tiêu quá nhiều.

 

Các cặp vợ chồng cần phải ngồi lại với nhau và vạch ra tầm nhìn tài chính của từng người để thảo luận. Nếu gia đình bạn đã làm điều đó, hãy làm lại thường xuyên.

Không xây dựng mục tiêu tài chính

Vợ chồng bạn thiết lập kế hoạch tài chính, cam kết và sẵn sàng thực hiện, nhưng sau đó không có hành động nào. Không thể biến kế hoạch thành hành động, các cặp vợ chồng lại trở về với thói quen cũ, dễ dẫn đến tranh cãi tiền bạc.

Hai người nên đặt mục tiêu cụ thể và ngày hoàn thành các mục tiêu đó. Đừng chỉ nói: "Chúng ta sẽ tiết kiệm nhiều hơn", hãy nói: "Anh muốn chúng ta tiết kiệm được X triệu đồng vào ngày này" và sau đó cam kết tiết kiệm khoản tiền đó.

Một trong hai chi tiêu quá mức

Vấn đề này bắt nguồn từ việc thiếu thông tin kết nối tài chính. Một trong hai có thể không biết số tiền đang được chi tiêu hoặc thậm chí số tiền thực sự cần để duy trì hoạt động gia đình. Họ chỉ tiêu theo nhu cầu, thậm chí vượt quá mức.

Bạn và bạn đời cần ngồi xuống và lập kế hoạch chi tiêu, xem xét tất cả các khoản. Bạn cũng cần tạo ranh giới trong chi tiêu để bạn đời không chi tiêu quá mức, nhưng không cảm thấy bị coi thường.

Niềm tin cổ hủ về tiền bạc

Vẫn còn nhiều người giữ quan điểm lạc hậu về tiền bạc và nó đang có tác động lâu dài đến cách họ xử lý tài chính. Ví dụ, có quan niệm "đàn ông lo kinh tế", điều này khiến nhiều phụ nữ không được chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho các vấn đề tài chính khi trưởng thành.

Tương tự như vậy, nhiều cặp đôi không nói về tiền bạc khi họ đang hẹn hò vì nó không được coi là một chủ đề “vui vẻ” hay “lãng mạn”. Điều này dẫn đến việc họ hoàn toàn không chuẩn bị trước khi đến lúc phải quản lý tiền bạc cùng nhau.

Thử bài tập "Câu chuyện tiền bạc", trong đó, bạn và bạn đời nhìn lại quan niệm về tiền bạc và cảm giác đã có trong những trải nghiệm tài chính ngày trẻ. Hãy thử nhìn lại những niềm tin được truyền lại trong gia đình, xem cách nó ảnh hưởng đến bạn thế nào..

Một người phải giải quyết tất cả các vấn đề tài chính

Trong một số cuộc hôn nhân, một bên vợ hoặc chồng có thể không giỏi về tài chính hoặc họ có thể không cảm thấy mình có đủ tự tin để đối mặt với những thách thức về tài chính.

Theo thời gian, điều đó dẫn đến việc đối tác còn lại phải gánh vác tất cả sức nặng và đưa ra các quyết định. Điều này có thể gây căng thẳng thêm trong hôn nhân và thậm chí dẫn đến oán giận vì một bên vợ hoặc chồng cảm thấy như họ đang gánh vác nhiều hơn phần của họ.

Giao tiếp là chìa khóa. Đừng ngại lên tiếng và nói lên những lo lắng của bạn về tiền bạc hoặc việc bạn không thể giải quyết được. Nếu bạn cần, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu tài chính.

Theo Fatherly