5 mối nguy cần kiểm soát để dịch Covid-19 không bùng phát
Sau 4 ngày, nhóm 6 người nhập cảnh từ Myanmar vào Việt Nam đã được truy lùng và cách ly thành công. Trong số 6 người, 4 trường hợp được xác định mắc Covid-19, gồm BN1440, 1451, 1452 và 1453. Hai người còn lại cùng tài xế chở họ hiện có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2.
Đại diện Bộ Y tế cho hay tình hình dịch đang nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, Việt Nam phải đối mặt nhiều mối nguy khiến dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập.
Nhập cảnh trái phép
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho biết hiện tại, dịch Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, nhất là khi xuất hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2.
4/6 người vượt biên trái phép vừa qua dương tính với virus này chứng tỏ tỷ lệ mắc rất cao. Nếu không kiểm soát được người nhập cảnh, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Ông Phu lo ngại người nhập cảnh trái phép nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, đi lại trong cộng đồng sẽ trở thành "ngòi nổ" khiến dịch lan ra cộng đồng.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu giao lưu qua lại giữa khu vực biên giới ngày càng nhiều. Đặc biệt, người dân xuất cảnh trái phép có nhu cầu trở về nước để đoàn tụ gia đình. Lúc này, hơn bao giờ hết, những đối tượng nhập cảnh trái phép trở thành mối nguy rất lớn tại Việt Nam.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhóm bệnh nhân Covid-19 vượt biên vừa rồi may mắn được phát hiện sớm, kịp thời truy vết, khoanh vùng. Nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khác chưa được phát hiện. Đây là điều rất đáng ngại.
Sự lỏng lẻo trong quản lý khu cách ly
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định mối nguy cơ đáng chú ý hiện nay là sự quản lý lỏng lẻo tại các khu cách ly, đặc biệt là khu có trả phí tại khách sạn, resort.
Chuyên gia này cho biết khu cách ly có trả phí ở khách sạn thường không có biện pháp đảm bảo an toàn, bảo hộ chặt chẽ như cơ sở do cơ quan y tế, quân đội quản lý. Nếu công tác quản lý có sự lỏng lẻo, người cách ly mang mầm bệnh tiếp xúc với nhau sẽ khiến nơi này trở thành ổ lây nhiễm.
"Đợt bùng phát trước tại TP.HCM xuất phát từ lỗ hổng trong việc quản lý người thực hiện cách ly. May mắn, tiếp viên hàng không và các ca lây nhiễm thứ phát đã được kiểm soát nhưng đây là bài học lớn trong quản lý cách ly đối với Việt Nam", bác sĩ Khanh nói.
Sự chủ quan của người dân
Một chuyên gia điều trị Covid-19 nói với Zing rằng hiện nay, trên nhiều tuyến đường, ông nhận thấy người dân không tuân thủ việc đeo khẩu trang, thậm chí tụ tập đông đúc. Dù người Việt đang sống trong trạng thái bình thường mới, nguy cơ dịch trong cộng đồng có thể xảy ra bất cứ lúc nào do chúng ta không biết người mình tiếp xúc đã đi những đâu.
"Khi lên máy bay, tôi thấy rất ít người đeo khẩu trang. Nếu có, họ đeo không đúng cách và chỉ mang tính chất đối phó. Ngoài ra, công tác truyền thông cài đặt Bluezone trong đợt dịch tại Đà Nẵng được tuyên truyền rất tích cực. Song, khi dịch ổn định, tôi không thấy ai kêu gọi cài đặt ứng dụng này nữa. Chúng ta cần khuyến cáo người dân rằng dù trong bất kỳ thời điểm nào, thông điệp 5K của Bộ Y tế luôn cần được phát huy và mang ý nghĩa phòng dịch rất cao", chuyên gia này nói.
Nhu cầu đi lại dày đặc dịp cuối năm
Các chuyên gia cảnh báo càng cuối năm, nhu cầu giao thương, buôn bán giữa các vùng miền trong nước và nước ngoài trở nên nhộn nhịp, đặc biệt tại những khu vực biên giới.
Bác sĩ Khanh đưa ra ví dụ về trường hợp người mang virus nhưng không hay biết vì không có triệu chứng. Khi họ tiếp xúc với nhiều người và tất cả đều không đeo khẩu trang, sự lây nhiễm chéo chắc chắn xảy ra. Lúc này, ngành y tế mất dấu F0, dịch bùng phát trong cộng đồng với số lượng lớn.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết thời điểm cuối năm, cận Tết Dương lịch, nhu cầu du lịch, đi chơi là tất yếu. Song, người dân không nên tụ tập quá đông, nên du lịch theo nhóm nhỏ, đi cùng những người quen biết, đã hiểu rõ tiền sử dịch tễ và sức khỏe của nhau.
"Trong những chuyến du lịch, chúng ta sẽ không biết được mình có thể tiếp xúc với những ai, tiền sử dịch tễ của họ như thế nào, thậm chí không biết họ vừa về từ đâu. Do đó, người dân phải luôn trong tâm thế cảnh giác, tự phòng ngừa cho bản thân và gia đình bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên", bác sĩ Khanh nói.
Bệnh viện bỏ sót người mang virus
Bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao. Khi dịch bệnh có sự lây lan trong cộng đồng với số lượng nhất định mà chưa được phát hiện, những người có triệu chứng sẽ vào bệnh viện. Đây là nơi phát hiện người mang mầm bệnh, phải chỉ điểm được trường hợp nghi ngờ. Khi cơ sở khám, chữa bệnh không tăng cường cảnh giác, làm xét nghiệm với trường hợp nguy cơ cao, dịch lây lan trong bệnh viện và trở nên nguy hiểm nếu tấn công vào các khoa, phòng có bệnh nhân nặng.
"Một khi virus đã vào bệnh viện, nhất là các khoa, phòng điều trị bệnh nhân nặng, công tác kiểm soát, khoanh vùng và điều trị sẽ rất khó khăn. Người trong bệnh viện buộc đeo khẩu trang, ai không tuân thủ thì mời họ ra ngoài. Nhân viên y tế không để người nghi ngờ đến các khoa bệnh nặng. Sự lây nhiễm bất ngờ, âm thầm trong các bệnh viện ở Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm cho chúng ta cho đến nay", bác sĩ Khanh nhận định.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...