5 ghi nhớ để phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, trong một số trường hợp bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Đặc biệt, có nhiều type virus gây bệnh, trong đó tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn, chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng.
Tỷ lệ người lành mang trùng lên tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần; tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng phải đúng cách mới mong đạt kết quả.
Dưới đây là 5 ghi nhớ để phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường theo khuyến cáo của ngành Y tế
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế/ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sẽ góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay giúp giảm 23 - 40% số người mắc bệnh tiêu chảy; giảm 58% bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu; giảm 16 - 21% các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phổi; giảm 29 - 57% tỷ lệ trẻ em phải nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, việc rửa tay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lan truyền dịch bệnh, cũng như giảm tỷ lệ đề kháng kháng sinh. Việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay chân miệng, sởi... Thời gian gần đây bệnh tay chân miệng đang lan rộng đến nhiều địa phương trên cả nước, khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Điều đáng nói là bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị và có khả năng biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện rửa tay bằng xà phòng đúng cách theo 6 bước thì mới đạt được hiệu quả cao trong việc diệt trừ vi sinh vật gây bệnh.
Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay, sau đó làm khô tay.
* Chú ý: Mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.
Vệ sinh môi trường: Dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp nơi ở; rác thải thu gom và được xử lý; có nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý phân đúng cách; dọn sạch các khu vực tối ẩm thấp; dọn sạch các vật dụng chứa nước xung quanh nhà…
Cần vệ sinh ăn uống
Thức ăn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm/tráng nước sôi).
Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm/mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.. khi chưa được khử trùng.
Cần làm sạch đồ chơi, nơi ở
Hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các nhà trẻ tư cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm bệnh tay chân miệng
Trẻ em cần được thường xuyên theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh sớm, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nhiều người khi con có dấu hiệu mắc bệnh vẫn cố đưa trẻ đến lớp vì rất nhiều lý do, do không có người trông, con đã đỡ để đưa trẻ đến trường. Trong khi đó, tay chân miệng rất dễ lây lan, là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca mắc tay chân miệng trong trường học.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong tháng 11/2023 toàn tỉnh ghi nhận hơn 2 ngàn ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 46% so với tháng trước và tăng 3,79 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. So với tháng trước, số ca mắc tay chân miệng tăng ở tất cả các địa phương, trong đó tăng nhiều ở TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Trảng Bom.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 9,6 ngàn ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....