Ở những tháng cuối thai kỳ, tử cung của người mẹ sẽ làm việc nhiều hơn, dẫn tới tình trạng co thắt theo từng cơn nên nhiều người nhầm lẫn nó với hiện tượng chuyển dạ và chuyển dạ giả. Mặt khác, cổ tử cung "mở" cũng là dấu hiệu cơ bản cho thấy thai phụ sặp sinh nhưng việc nhận biết dấu hiệu chuyển dạ qua sự "mở" của cổ tử cung rất khó để thai phụ nhận biết, mà phải thăm khám của các bác sĩ.

Tuy nhiên, nếu thai phụ xuất hiện những dấu hiệu sau đây thì nên đến ngay bệnh viện bởi đó có thể là dấu hiệu chuẩn đoán gần như chính xác nhất mà thai phụ không nên bỏ qua.

Bụng bầu tụt xuống

Ra dịch nhầy bất thường kèm theo co thắt tử cung, bụng tuột, vỡ nước ối, tiêu chảy… báo hiệu mẹ sắp sanh trong 24 giờ tới (Ảnh: Internet).

Những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi to sẽ đè lên cơ hoành người mẹ khiến các mẹ thấy khó thở hơn, vì thế khi bé tụt xuống vùng khung xương chậu thì có thể bé sẽ chào đời vào 1-2 tuần tới. Lưu ý, trẻ càng tụt xuống sâu thì càng gần tới ngày sinh nở. Theo đó, các bà bầu sẽ cảm giác thở thoải mái, dễ dàng hơn, nhưng thay vào đó các mẹ lại cảm thấy tăng áp lực lên bàng quang dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn.

Để nhận biết bụng bầu tụt chưa, các mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên của bụng nữa không? Nếu không thì chắc chắn em bé đã tụt sâu xuống dưới. Đồng thời, cảm giác ở khung xương chậu sẽ nặng nề hơn nên bạn sẽ thấy mình đi lại khó khăn, lạch bạch hơn. Tuy nhiên, đến lần mang thai thứ 2, mẹ bầu sẽ không nhận thấy bụng bầu tụt xuống cho đến ngày sinh nở bởi vì cơ xương chậu của mẹ lúc này đã giãn nở đủ rộng.

Đau co tử cung nhiều hơn

Gần đến thời điểm sinh, mẹ bầu sẽ thấy tử cung xuất hiện các cơn co. Tuy nhiên, những cơn co thắt này có thể xuất hiện trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, được gọi là những cơn đau giả. Vì vậy, nếu bạn chỉ còn cách ngày dự sinh 1-2 tuần thì cần đặc biệt chú ý dấu hiệu này. Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây), cách nhau từ 5 – 7 phút ít nhất trong một giờ và thường xuyên hơn, tức là bạn đang chuyển dạ.

Thông thường, những cơn đau đẻ sẽ ở mức độ nhẹ, ngắn cho đến mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng bạn thường sẽ cứng lên và bạn dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.

Ra dịch nhầy hồng âm đạo

Trong thời gian mang thai, cổ tử cung đóng và được làm dày lên bởi một lớp chất nhầy để ngăn ngừa viêm nhiễm từ bên ngoài tác động đến bào thai. Nhưng khi bạn sắp đến ngày sinh, cổ tử cung bắt đầu giãn ra và dịch nhầy tại cổ tử cung sẽ được đẩy ra ngoài. Bởi vậy, khi thai phụ thấy tình trạng ra nhớt hay ra huyết màu đỏ, hồng, đỏ sẫm ở âm đạo thì nên đi khám để xem cổ tử cung đã mở chưa để tư vấn thời điểm sinh con chính xác nhất.

Mẹ bầu cần gọi ngay cho bác sĩ nếu bị ra máu hay dịch âm đạo có lẫn máu tươi hay nước ối chảy ra có màu xanh lá hay nâu vì đây có thể là "phân su" của bé nếu hít hay nuốt phải bé sẽ gặp nguy hiểm trong khi sinh (Ảnh: Internet).

Vỡ ối

Tình trạng vỡ ối có thể khiến bé bị mất môi trường tự nhiên và bị thúc ép ra ngoài. Với trường hợp, nước ối không chảy ra ồ ạt thì rất có thể nước ối đang bị rò rỉ bởi lúc này đầu em bé đã lộn xuống dưới và ngăn cản nước ối chảy ra ngoài nhanh. Theo đó, khi nước ối vỡ bạn cần đến bệnh viện ngay để sinh con gấp. Bởi 80% phụ nữ đau đẻ và bị kích thích sinh trong 12 tiếng sau khi nước ối vỡ, nếu chậm trễ sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Tiêu chảy

Ngoài những dấu hiệu trên thì phụ nữ mang thai giai đoạn cuối có thể bị tiêu chảy. Nguyên nhân là do cơ thể sản sinh prostaglandin, một loại hormone gây co bóp cổ tử cung, làm mềm và giãn cổ tử cung. Đồng thời, nó cũng có thể tác động đến đường ruột gây ra tình trạng đi đại tiện thường xuyên, thậm chí là tiêu chảy.