Chiều 17/12, thông tin với Sức khoẻ & Đời sống, đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, 490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã về đến Việt Nam trong đêm 15/12 và được vận chuyển về kho bảo quản của Viện Vệ sinh dịch tễ TW sáng hôm qua.

Lô vaccine 5 trong 1 gồm 490.600 liều do Chính phủ Úc viện trợ cho Việt Nam thông qua UNICEF đã được tiến hành kiểm định để nhanh chóng phân bổ, đưa vào tiêm chủng.

Vaccine 5 trong 1 giúp bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và vi khuẩn Hib tuýp b (Hib).

Trước đó, phát biểu tại sự kiện lễ bàn giao vaccine do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Úc cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng 490.600 liều vaccine 5 trong 1 là vô cùng quý và cần thiết để triển khai tiêm chủng cho trẻ em ngay trong thời gian tới.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ lời cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Úc đã rất kịp thời hỗ trợ vaccine theo đề xuất từ phía Bộ Y tế Việt Nam, bên cạnh đó là sự phối hợp, đồng hành của UNICEF để có thể cung ứng vaccine về Việt Nam sớm nhất.

"Để tìm được nguồn cung ứng vaccine rất vất vả, do đó đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo việc phân bổ, tổ chức tiêm chủng đúng đối tượng, hiệu quả" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định khi vaccine được bàn giao, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan sẽ hành động quyết liệt, nhanh chóng nhất để đưa vaccine về địa phương sớm nhất, nhằm tiêm chủng cho trẻ em hiệu quả.

Liên quan đến việc phân bổ số vaccine này, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế tháng 12 do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần này, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nêu rõ, căn cứ nhu cầu theo đề xuất và thực tiễn triển khai của 63 tỉnh/thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên.

Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.

Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW.

"Với số lượng vaccine được chính phủ Úc hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh/thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố. Ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vaccine cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ" - PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Trong thông tin gửi báo chí chiều nay- 17/12 của UNICEF và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: Australia rất tự hào được hợp tác với Bộ Y tế và UNICEF giúp đưa ra giải pháp trước mắt nhằm giải quyết khó khăn hiện nay về nguồn cung vaccine ở Việt Nam.

Sự hỗ trợ này được xây dựng dựa trên sự hợp tác của Úc với Việt Nam trong việc ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 trong những năm qua.

"Việc ứng phó với khủng hoảng và các thách thức thường cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ và chúng tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vì quyết tâm giải quyết tình trạng thiếu vaccine và đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine trong tương lai. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Bộ Y tế có kế hoạch mạnh mẽ để khôi phục chương trình tiêm chủng của Việt Nam trong thời gian tới"- ngài Andrew Goledzinowski nói.

Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers nói: Sự hợp tác của UNICEF với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc đang mang đến cơ hội cứu sống nhiều trẻ em đã bỏ lỡ tiêm vaccine hoặc chưa bao giờ được tiêm chủng. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế để đảm bảo rằng mọi trẻ em ở mọi nơi trên đất nước đều được tiêm chủng thường xuyên (hiện tại và trong tương lai), đồng thời khôi phục và cải thiện hơn nữa các dịch vụ tiêm chủng trở lại mức như trước khi có đại dịch.