Sán gạo nguy hiểm cho sức khỏe

Sau khi có một phụ huynh chia sẻ clip trẻ ăn thịt có những nang trắng nghi là sán lợn tại trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), hôm nay hàng trăm trẻ đã được đưa từ Bắc Ninh ra Hà Nội để làm xét nghiệm.

Theo lời kể của một phụ huynh học sinh, hôm trước một bé bị sốt và được gia đình đưa đi khám thì phát hiện dương tính với sán lợn gạo nên các gia đình khác rất lo lắng và đưa con em đi xét nghiệm xem có nhiễm sán không.

Đến chiều nay, các bệnh viện vẫn đang tổng kết kết quả xét nghiệm của những học sinh trường mầm non Thanh Khương để có thông tin chính thức. Những trẻ này trước đó đều được ăn thịt nghi là nhiễm sán lợn gạo.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Đề, Nguyên Trưởng Bộ môn ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội, bệnh sán lợn gạo không phải là bệnh hiếm. Giáo sư Đề cho biết bệnh sán dây lợn có ở khắp mọi nơi, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.

Theo giáo sư Đề, bình thường sán dây lợn dài từ 2- 3m hoặc dài hơn, gồm nhiều đốt, có đốt cổ mảnh, có đốt thân trưởng thành, có đốt già. Trong một đốt sán già có thể chứa tới 55.000 trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5,6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài.

Thịt nghi là nhiễm sán lợn gạo của trường Thanh Khương - Ảnh: Internet

Khi lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán, trứng sán qua dạ dày đến ruột lợn, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn.

Sau khi lợn ăn phải ấu trùng từ 24-72 giờ, ấu trùng sán sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc ở cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài kích thước bằng hạt gạo nên gọi là gạo lợn trong nang dịch có màu trắng.

Con người chính là vật chủ chính của loại sán này, nếu ăn phải trứng sán, trứng sán sẽ trưởng thành ở ruột non. Sau đó, những đốt sán già rụng ở ruột non theo nhu động đi ngược lên dạ dày.

Do tác dụng của dịch tiêu hoá, trứng từ các đốt già được giải phóng ra xuống tá tràng, hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán.

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ, chỉ đến khi có biến chứng người bệnh mới đến bệnh viện để khám. Những biến chứng từ sán ảnh hưởng từ vùng chúng cư trú. Ví dụ sán lợn nằm ở não sẽ gây động, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu, nhức đầu dữ dội, kéo dài.

Nhiều trường hợp người bệnh bị sán gạo ký sinh ở đáy mắt chèn ép sau nhãn cầu gây tăng nhãn áp, giảm thị lực, hoặc song thị.

Người chính là vật chủ chính của loại sán này- Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp sán trú ngụ ở cơ hay xuất hiện ở vùng ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, cơ ngực, gây giật cơ.

Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế chuyên khoa ký sinh trùng để được thăm khám và xét nghiệm nhanh chóng điều trị. Để việc điều trị sán hiệu quả bác sĩ phải xác định loại sán bệnh nhân mang như sán dây lợn, sán dây bò, sán chó… để điều trị hiệu quả nhất.

Giáo sư Đề cho biết thịt lợn là món ăn rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Từ thịt lợn người ta cũng chế biến ra nhiều món ăn như nem tái, nem chạo và nếu chưa được nấu kỹ thì nguy cơ mắc sán rất cao.

Giáo sư Đề gặp nhiều trường hợp người bệnh bị sán lên não mà nguyên nhân chỉ là do thói quen thích ăn thịt tái tái, thích ăn nem, các món tái sống dẫn đến bệnh sán và sán chu du lên đến não.

Giáo sư Đề nhấn mạnh con đường lây truyền sán chủ yếu là do ăn phải trứng sán ở thịt, cá, rau sống, cua sống… có các nang sán nếu không nấu chín mà được ăn tái sống thì đều có nguy cơ nhiễm sán. 

Chính vì thế, cách phòng bệnh là ăn chín, uống sôi. Vệ sinh môi trường sạch sẽ để phòng sán gạo cũng như các loại sán khác.