Mới đây, bác sĩ V.T.T.H, nguyên Giám đốc BV Phụ Sản Tiền Giang qua đời do nhảy cầu tự tử. Theo người nhà của nữ bác sĩ, bà vừa về hưu được 10 tháng và trong thời gian này có biểu hiện của trầm cảm và đã điều trị tại bệnh viện.  

Cùng với đó, hot tiktoker Lê Quỳnh Như ( 28 tuổi, Đắk Lắk) cũng đột ngột qua đời. Theo bạn bè của Như, cô bị trầm cảm và đã điều trị thuốc trầm cảm một thời gian dài.

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử trên thế giới. Năm 2011, WHO dự đoán đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 40.000 ca tự tử vì trầm cảm.

Thạc sĩ bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh – Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia, cho biết theo WHO có 15% có biểu hiện rõ rệt của trầm cảm trong cuộc sống. 

Tỷ lệ mắc cả đời trầm cảm là 12%, mắc theo năm khoảng 6%. Theo thống kê tại Đông Nam Á tỷ lệ trầm cảm chiếm 26%, gặp ở nữ nhiều hơn nam, nhất là ở độ tuổi từ 25 đến 44 tuổi.

Bác sĩ Vân Anh cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm như sự bất thường chất dẫn truyền thần kinh, hóc môn, tuyến nội tiết, do di truyền, tâm lý xã hội, người có tiền sử gia đình bị rối loạn cảm xúc dễ bị trầm cảm hơn.

Ảnh minh hoạ. 

Nguyên nhân khác là do các bệnh lý cơ thể như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp; sử dụng thuốc hoặc nghiện chất kéo dài cũng gây ra trầm cảm.

Khi bị trầm cảm người bệnh thấy cảm xúc, tư duy ức chế. Từ xa xưa người ta đã thấy bệnh nhân trầm cảm luôn sầu uất. Trầm cảm chẩn đoán với những triệu chứng chính: khí sắc giảm, giảm quan tâm thích thú với hoạt động thường ngày, mệt mỏi, giảm năng lượng, giảm tự tin, nhìn tương lai ảm đạm bi quan, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon miệng, có thể giảm ham muốn tình dục. Các triệu chứng này kéo dài trên 2 tuần được coi là trầm cảm.

Khi thấy có 3 trong số các dấu hiệu trên, người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa tâm thần kinh để được bác sĩ trợ giúp.

Khi đi khám, dựa trên các triệu chứng chủ yếu bác sĩ sẽ có đánh giá mức độ trầm cảm nặng hay nhẹ. Bác sĩ sẽ phân biệt với bệnh lý rối loạn cảm xúc, rối loạn stress, rối loạn hoảng sợ, rối loạn bệnh lý cơ thể khác….

Việc điều trị trầm cảm, theo bác sĩ Vân Anh, có nhiều biện pháp. Đầu tiên là các liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi. Người bệnh có mối liên quan cảm xúc, hành vi, nhận thức bình thường. Người bệnh thường có suy nghĩ mọi thứ không tốt lên nên họ buồn chán, thích nằm giường, ngại giao tiếp với mọi người.  Khi đó, liệu pháp tâm lý sẽ giúp người bệnh cải thiện cảm xúc tiêu cực, u uất.

Sử dụng thuốc chống trầm cảm, BS Vân Anh cho rằng, hiện có nhiều nhóm thuốc chống trầm cảm khác nhau. Việc chọn thuốc dựa vào nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố về bệnh nhân như đặc điểm lầm sàng, bệnh đồng diễn, tác dụng phụ, sở thích của bệnh nhân, tương tác thuốc...

Các biện pháp kích thích trong điều trị trầm cảm như sốc điện đã được chứng minh an toàn với người bệnh. Kích thích dây thần kinh phế vị giúp xử lý tiếp nhận vùng khác nhau của não. Tại châu Âu và Mỹ, kích phế vị được chỉ định cho bệnh nhân trên 18 tuổi, có sử dụng thêm thuốc chống trầm cảm.

Ngoài ra, còn các biện pháp như kích thích từ xuyên sọ, kích thích não sâu.

BS Vân Anh cho biết trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tăng cường tập thể dục vì thể dục giúp cơ thể dễ chịu hơn, tập thể dục giúp hạn chế các suy nghĩ tiêu cực trong trầm cảm. Tập thể dục còn giảm các nguy cơ bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.... để bệnh nhân điều trị trầm cảm tốt hơn.

Tập yoga hít thở sâu giúp điều hoà cảm xúc tốt, tâm lý của bệnh nhân sẽ tốt hơn. Tập thể dục được coi là rèn luyện về thể chất thì thiền được coi là tập về mặt tâm trí. Nếu bệnh nhân tập trung thiền định sẽ dập tắt /hoặc (hoạt động của vùng trán) thông qua đó giảm các suy nghĩ tiêu cực.