Diễm Trang

Gia đình Á hậu Diễm Trang sang Ba Lan đúng thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh. Là người châu Á, cô nhận nhiều sự kỳ thị.

Khi vào một cửa hàng ở vùng ngoại ô thủ đô Warsaw, một người đàn ông nhìn gia đình Diễm Trang, chỉ thẳng và hô lớn 'Oh virus'. Lần khác, khi Diễm Trang vào phòng gym, một cặp vợ chồng địa phương nhìn thấy cô và hỏi: 'Cô đến từ đâu'. Diễm Trang thật thà trả lời 'Việt Nam' thì ngay lập tức, cặp này rời khỏi phòng gym.

Gia đình Á hậu Diễm Trang.

Diễm Trang không quá buồn vì hiểu được tâm lý hoang mang của người Ba Lan khi nCoV lây lan trên diện rộng. Đây cũng là lần đầu cô bị kỳ thị trong ba tuần ở Ba Lan bởi khu vực cô sinh sống, ít khi có sự xuất hiện của người châu Á.

Khi Chính phủ Ba Lan phong tỏa đất nước từ ngày 15/3, Diễm Trang quyết định ở lại cùng ông xã thay vì trở về nước như dự kiến.

Ngọc Quyên

Ngọc Quyên định cư ở Mỹ nhiều năm. Cô sống cùng con trai bốn tuổi tại Santa Ana. Diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến cuộc sống của mẹ con cô đảo lộn. 

Ngọc Quyên kể, khẩu trang là vật dụng quen thuộc của người dân Việt Nam khi ra đường nhưng tại Mỹ, không nhiều người mang món đồ phòng dịch này. Thậm chí, cựu người mẫu 8x bị kỳ thị vì mang khẩu trang nơi công cộng. "Ở Việt Nam, tôi đọc tin tức thấy người dân phải xếp hàng để mua khẩu trang. Nhưng ở Mỹ, việc một người khỏe mạnh, đeo khẩu trang dường như là hành vi khó chấp nhận. Họ quan niệm, chỉ những người có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân hay bị bệnh mới cần đeo khẩu trang.

Một lần mang khẩu trang đi siêu thị, những người dân bản địa nhìn tôi như ở hành tinh nào rớt xuống. Tôi nhìn thấy rõ sự kỳ thị. Họ thấy tôi và né. Cách cư xử của họ làm tôi không dám đeo khẩu trang. Đến bây giờ, khi dịch bùng phát, tôi bắt buộc phải đeo, ai muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Nhà tôi ở khu tập trung nhiều người Việt Nam ở, họ vẫn đeo. Còn ở những nơi tập trung đông người Mỹ thì không", cô chia sẻ.

Ngọc Quyên.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 bùng phát nhanh tại Mỹ, Ngọc Quyên cho biết, thái độ người Mỹ rất dửng dưng. "Ở Việt Nam, chỉ có vài ca dương tính nCoV là mọi người đã hốt hoảng. Trong khi ở Mỹ, họ rất chủ quan. Người dân bên này được dạy rằng, đeo khẩu trang không kiểm soát được bệnh tật. Khẩu trang chỉ dành cho người bệnh.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, chỉ cần một người dương tính là cả làng, cả xóm biết cô ấy bị gì, từng tiếp xúc với ai. Nhưng ở Mỹ, danh tính người bệnh thuộc về quyền riêng tư, bảo mật của mỗi người. Do đó, khó có thể kiểm soát được những ai đang nhiễm bệnh", cô nói.

Chà Mi

Chà Mi sang Anh từ đầu tháng 2. Á quân Vietnam's Next Top Model cho biết, ba tuần đầu, khi dịch chưa lan sang các nước châu Âu mà mới chỉ bùng phát ở châu Á, người London chưa chủ động phòng tránh dịch. Rất ít người mang khẩu trang khi ra đường. Vì ý thức được tầm quan trọng của việc phòng tránh dịch và đọc khá nhiều tin tức về dịch bệnh tại Việt Nam cũng như Trung Quốc, Chà Mi chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, gel rửa tay khô, nước sát khẩu.

Chà Mi.

Ra đường, Chà Mi luôn trang bị khẩu trang nhưng cô luôn bị nhìn bằng những ánh nhìn dò xét. "Có người thấy tôi thì lảng tránh, né hẳn sang một bên. Người Anh cũng không phân biệt được đâu là người Hoa, đâu là người Việt hay cư dân của một quốc gia châu Á nào đó, do vậy, sự kỳ thị với người châu Á là điều không thể tránh khỏi. Họ kỳ thị cũng không ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của tôi. Điều này tốt vì cũng là cách để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh", cô chia sẻ.

Chà Mi kể, ở London, trước đó người ta chỉ chăm chăm kì thị người châu Á chứ chẳng mấy ai có ý thức chống dịch. Tuy nhiên hiện tại, cũng có một số người lo lắng nên đeo khẩu trang, nhưng con số này còn khá ít. Mọi người vẫn tụ tập nhiều ở những nơi đông người.

Từ cuối tháng hai đến nay, Chà Mi chỉ ở trong nhà, không dám ra đường vì tình hình ở Anh diễn biến phức tạp do Covid-19 mang lại. 

Phương Oanh

Ngày 1/2, Phương Oanh sang Anh, tìm kiếm cơ hội và trình diễn tại London Fashion Week. Sống tại London đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng khi ra ngoài đường, Phương Oanh không dám đeo khẩu trang vì sợ người dân bản địa kỳ thị.

"Ở Anh mọi người không có khẩu trang để mua. Trước đó tôi có đem theo một hộp khẩu trang qua London nên may mắn vẫn có thiết bị phòng dịch để dùng. Ban đầu, tôi không dám đeo khẩu trang vì sợ bị đánh và kỳ thị. Ở Anh, mọi người đều nghĩ, chỉ khi bạn mang bệnh, bạn mới phải đeo khẩu trang. Nhưng sau này, khi châu Âu bùng dịch, tôi mặc kệ những ánh mắt dò xét, kỳ thị", cô chia sẻ.

Phương Oanh.

Khi di chuyển bằng tàu điện, mọi người thể hiện rõ thái độ kỳ thị với Phương Oanh. Họ lánh xa và dành cho cô những ánh mắt dò xét. Người dân ở đây chủ quan, coi thường và không nghĩ Covid-19 nguy hiểm đến như vậy. "Châu Âu có không khí lạnh. Mỗi năm, ở Anh có nhiều người chết do cúm, cảm lạnh nên họ xem Covid-19 là bệnh thông thường. Họ không tin Covid-19 đủ mạnh để gây chết người. Ngay cả khi đã có nhiều người nhiễm Covid-19 ở Anh, họ vẫn bàng quan, không đeo khẩu trang ra đường", cô nói.

Hôm 15/3, Phương Oanh đáp chuyến bay về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện cô được cách ly tại trung tâm cách ly ở trường quân sự Quân khu 7, quận 12 (TP HCM).