Loại rau quả thấy có vị đắng thì vứt ngay đi

Quả mướp

Mướp là loại quả lành, ăn rất mát và nhiều chất dinh dưỡng. Mùa hè ăn canh cua mướp mùng tơi rất ngon. Tuy nhiên nếu thấy loại quả này có vị đắng thì nhất định nên vứt bỏ bởi vị đắng này được tạo ra từ chất kiềm glycoalkaloids - một chất hóa học độc hại thuộc nhóm alkaloids. Việc ăn quá nhiều alkaloids có tính kiềm glycolysis dễ khiến cơ thể con người bị ngộ độc.

Bầu

Hàm lượng nước trong bầu bằng 96% trọng lượng của nó, ngoài ra hàm lượng vitamin, magie, canxi… của loại quả này tương đối cao, ăn nhiều bầu không những giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn có tác dụng cải thiện sức đề kháng của cơ thể.

Nhưng không nên ăn bầu bị đắng, vì trong loại quả đó có chứa nhiều cucurbitacin là chất độc hại, dễ gây nôn mửa, tiêu chảy và các bệnh về đường tiêu hóa. Do đó, khi ăn bầu nên cắt một miếng nhỏ để nếm thử, nếu thấy đắng thì nên bỏ luôn.

Bí đao

Bí đao bảo quản không đúng cách rất dễ bị đắng, không nên ăn những quả như vậy vì nó có chứa rất nhiều alkaloid glycosides, tương tự như với mướp có vị đắng, nếu tiêu thụ quá nhiều bí đao đắng, con người dễ bị phản ứng ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Dưa lê

Dưa lê cũng là một loại thực phẩm ăn quả thuộc họ bầu bí, chỉ ăn được nó sau khi đã chín, vị rất ngọt nhưng không phải loại quả nào cũng ngọt.

Dưa lê bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu sẽ có vị đắng. Do đó, nếu thấy dưa có vị đắng thì không nên ăn, đặc biệt là khi phần ruột quả có vị đắng, tốt nhất nên vứt bỏ.

Nhưng có những loại rau quả có vị đắng lại tốt cho sức khỏe:

Mướp đắng

Mướp đắng, hay khổ qua, là một loại dưa có màu xanh, hình dạng tương tự dưa chuột nhưng vỏ sần sùi và có vị rất đắng. Mướp đắng chứa nhiều chất phytochemical - như triterpenoids, polyphenol và flavonoid, đã được chứng minh làm chậm quá trình phát triển của các loại ung thư. Loại củ quả này cũng được dùng để giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ 2.000 mg bột mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp hạ đáng kể đường huyết, tuy nhiên tác dụng không bằng thuốc tiểu đường thông thường. Vì vậy, không đủ bằng chứng để khuyến nghị dùng mướp đắng thay cho thuốc điều trị ở bệnh nhân tiểu đường.

Rau cải

Có nhiều loại rau họ cải mang vị đắng như: bông cải xanh, cải mầm Brussels, bắp cải, cải xoăn, củ cải và xà lách. Dành cho những ai còn băn khoăn thực phẩm đắng có tốt không, loại rau cải này có chứa hợp chất glucosinolates - tạo vị đắng và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng glucosinolates có thể làm chậm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư. Một số dữ liệu cho thấy người ăn nhiều rau cải có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn. Nhưng cũng cần lưu ý rằng sự khác biệt di truyền ở mỗi người, cũng như mức độ glucosinolate có trong rau và phương pháp nấu ăn cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Quả nam việt quất (Cranberries)

Quả nam việt quất có vị chua chát, quả mọng đỏ thường đắng, có thể được ăn sống, nấu chín, sấy khô hoặc ép nước. Chúng có chứa một loại polyphenol proanthocyanidin nhóm A, có thể ngăn vi khuẩn bám vào các mô cơ thể. Công dụng này sẽ giúp giảm sâu răng do vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm H. pylori trong dạ dày, thậm chí ngăn ngừa nhiễm trùng E. coli trong đường ruột và đường tiết niệu.

Một nghiên cứu kéo dài 90 ngày cho thấy uống khoảng hai cốc (500ml) nước ép nam việt quất mỗi ngày có khả năng loại bỏ vi khuẩn HP dạ dày, hiệu quả gấp ba lần so với giả dược. Bên cạnh đó, một liều thuốc chiết xuất nam việt quất có chứa ít nhất 36mg proanthocyanidin, làm giảm đáng kể tần suất nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ.

Trà xanh

Trà xanh cũng là một loại đồ uống phổ biến, được tiêu thụ rộng rãi trên toàn thế giới. Chúng có vị đắng tự nhiên do chứa hàm lượng catechin (epigallocatechin gallate, hoặc EGCG) và polyphenol. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy EGCG có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, nhưng không rõ tác dụng ở người.

Trà xanh cũng chứa nhiều loại polyphenol, chất chống oxy hóa và chống viêm. Những hợp chất này kìm hãm các gốc tự do và giảm viêm, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Trên thực tế, chỉ cần uống một tách trà xanh mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ đau tim xuống gần 20% và giảm cân. Trà xanh tốt hơn các loại trà đen hoặc trắng nhờ liều lượng chất chống oxy hóa tối đa.