Thứ nhất là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân sau đó chuyển khoản. Đây là dấu hiệu lừa đảo phổ biến nhất hiện nay.

Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như Họ tên, Quê quán, Số điện thoại, số Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, số thẻ tín dụng, mật khẩu hay thông tin tài khoản ngân hàng...

Thứ hai, là những cuộc gọi mạo danh là cơ quan chức năng.

Các đối tượng xấu giả danh cơ quan công an, tòa án, bệnh viện hoặc các tổ chức có uy tín để lừa dối, đe dọa, gây áp lực tâm lý cho người dân. Nạn nhân thường là người cao tuổi, ít giao tiếp xã hội, không cập nhật thông tin.

Một số hành vi lừa đảo kiểu giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… yêu cầu cung cấp thông tin để xử lý vụ án; chuyển tiền ngay để nhận gửi bưu phẩm…

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Thứ ba là những cuộc gọi từ những số lạ, đầu số lạ.

Thường là số điện thoại không đăng ký, đầu số lạ… Nếu nhận được cuộc gọi từ số điện thoại không phải là số điện thoại cố định hay di động thông thường hay không liên quan đến một tổ chức, đơn vị nào đó, thì đó có thể là một dấu hiệu lừa đảo.

Thứ tư là những cuộc gọi kèm theo lời mời chào hấp dẫn, không thực tế

Kẻ lừa đảo giả danh các công ty, doanh nghiệp với ngành nghề khác nhau như bưu điện, xổ số, du lịch… liên lạc với người dân thông qua điện thoại hoặc tin nhắn báo tin người dân đã trúng thưởng một phần quà hay chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về.

Và để nhận được phần thưởng, người dân phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền. Việc người dân điền thông tin cá nhân vào các website giả mạo do các đối tượng gửi đến, tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt, rút hết tiền.