Ở tuổi thất thập, dù mái tóc đã ngả màu pha sương, nhưng "ni cô Huyền Trang" - NSƯT Thanh Loan vẫn mang nét đẹp hiền hậu và thanh lịch. Mỹ nhân màn ảnh một thời với đôi mắt buồn sâu thẳm, từng khiến bao chàng trai "đổ gục" hiện có cuộc sống gia đình bình yên, giản dị. Bà nói, có lẽ quen ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên luôn hài lòng với những gì mình đang có…

"Để hoàn thành vai diễn, tôi phải hi sinh mái tóc dài"

 Bộ phim "Biệt động Sài Gòn" đã đi qua hơn 35 năm, mỗi lần nhắc đến bộ phim và vai diễn ni cô Huyền Trang, hẳn cảm xúc trong bà vẫn còn nguyên vẹn?

Với tôi, vai diễn nữ chiến sĩ biệt động ni cô Huyền Trang đến với mình như định mệnh và tôi xem đó là nốt thăng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Mỗi lần nhắc đến, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc tự hào vì đã có một vai diễn để đời, sống mãi với thời gian.

 

Còn nhớ, năm 1984 trong một chuyến công tác vào TPHCM khi tôi còn làm đạo diễn Truyền hình an ninh, tình cờ tôi gặp anh Trịnh Thái là họa sĩ thiết kế mỹ thuật chính của bộ phim. Anh ấy nói với tôi rằng, đoàn phim Biệt động Sài Gòn đã quay một năm nay nhưng vẫn chưa tìm được vai ni cô Huyền Trang.

Tôi liền đề xuất anh cho tôi đọc kịch bản, và quả thật tôi thấy vai ni cô Huyền Trang rất hay, là nhân vật có nhiều đất diễn, cá tính. Sau đó tôi đã xin phép cơ quan để đi làm phim.

Đạo diễn Long Vân gặp tôi và mối lương duyên với vai diễn bắt đầu từ đó. Bộ phim sản xuất trong một thời gian rất dài và chủ yếu là anh em diễn viên nghệ sĩ miền Bắc vào.

Ngày đó, cả nước chỉ có một cơ sở duy nhất in tráng phim nhựa là Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương nên chúng tôi mỗi lần quay xong đều phải gửi ra Hà Nội kiểm tra chất lượng rồi mới tiếp tục quay. Phim 4 tập nhưng phải quay trong 4 năm, đó là chặng đường gian nan, công phu và tỉ mỉ.

 

Để cảm nhận vai diễn ni cô Huyền Trang, bà đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ và cả nước mắt?

Biệt động Sài Gòn được xem là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam nên đoàn phim vô cùng vui sướng và tự hào. Ngày xưa, phim nhựa làm bối cảnh hoành tráng và cầu kì về kỹ thuật lắm.

Để hoàn thành vai diễn, trước hết tôi phải hi sinh mái tóc dài vì ngày xưa không có mũ cao su để nịt đầu. Tóc tôi thời đó dài ngang thắt lưng nhưng tôi phải cắt đầu tém để hợp vai nữ biệt động giả trang.

Thứ hai là tôi phải vào chùa Dược Sư ở một tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông thế nào, cách đi khất thực ra làm sao để giống như một người đi tu thật. Quan trọng nhất là dáng đi khất thực của người tu hành rất khoan thai, mắt nhìn xuống.

Rồi tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ…

 

Ngày ấy, việc một cô gái trẻ cắt phăng mái tóc dài dịu dàng, nết na là sự hi sinh rất lớn. Bà có gặp sự phản đối từ chồng và gia đình?

- Tôi thấy mình may mắn khi chồng là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học sống nhiều năm ở nước ngoài nên tôn trọng và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ. Còn mẹ chồng tôi là người phụ nữ hiện đại và văn minh, trong phim Biệt động Sài Gòn, bà cũng tham gia vai diễn quần chúng đấy.

Lúc đó, 2 con tôi còn nhỏ, con gái 10 tuổi, con trai lên 8, chồng tôi vẫn đang ở nước ngoài nên con cái phải nhờ bà nội chăm sóc hộ. Vì phim quá dài, nên có lần, tôi cũng đón bố ruột, mẹ chồng tôi và các con vào. Các diễn viên khác cũng thế, nên đoàn phim lúc nào cũng náo nhiệt.

NSƯT Thanh Loan trò chuyện với PV Dân trí.

Trong phim, nhiều khán giả ấn tượng cảnh nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn - ni cô Huyền Trang bị tra tấn bằng điện. Làm sao để một người phụ nữ trẻ, Hà Nội gốc diễn xuất cảnh tra tấn chạm đến trái tim khán giả như vậy?

- Đây là một trong những trường đoạn của phim tôi phải tập thật kỹ, thật nhập để có thể đạt ngay vì cảnh quay này không được phép làm lại. Tôi phải làm động tác hình thể của người bị điện giật, nhưng khi bị "bọn ác ôn" dội nước vào người thì tôi phải giật cơ mặt tỉnh lại ngay.

Điều đặc biệt khiến chúng tôi vào vai chân thực là vì được tiếp xúc với chính những nguyên mẫu của nhân vật mình thủ vai - đó chính là những chiến sĩ trong biệt động thành năm xưa.

Thời gian tiếp cận với nhân vật và thâm nhập thực tế, nghe kể và chứng kiến người lính bị tra tấn bằng điện đã làm cho người nghệ sĩ tích lũy được vốn sống, sự cảm hóa của nhân vật rất kỹ để hóa thân diễn xuất tốt hơn.

Tôi cũng có may mắn là vào bộ đội từ lúc 15 tuổi. Cuộc sống của tôi là một người lính được tôi luyện trưởng thành trong môi trường quân ngũ, là sĩ quan có sự tích lũy đầy đủ và thấm vào máu mình tình yêu đất nước. Chính vì thế, tôi hiểu được sự gian khổ của người lính trong thời kỳ chiến tranh.

Vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn" của NSƯT Thanh Loan để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Sau 35 năm, đi đâu tôi cũng được gọi là ni cô Huyền Trang"

 Dù đóng rất nhiều phim truyền hình trước Biệt động Sài Gòn nhưng khi nhắc đến NSƯT Thanh Loan, công chúng chỉ nhớ đến với cái tên ni cô Huyền Trang. Với bà, điều đó là may mắn hay thiệt thòi?

- Tôi cho đó là vinh dự, một phần thưởng lớn dành cho người nghệ sĩ. Sau 35 năm, tôi đi đâu cũng được khán giả nhận ra là người đóng vai ni cô Huyền Trang.

Bây giờ nhiều người không nhớ tôi là Thanh Loan mà chỉ gọi tôi là ni cô Huyền Trang, tôi thấy mình thật may mắn vì có một vai diễn để đời, bước ra ngoài cuộc sống. Có nhiều khán giả còn đặt tên con là Huyền Trang dù nhân vật của tôi rất khổ, hi sinh, chịu đựng và gặp nhiều thiệt thòi.

"Ni cô Huyền Trang là vai cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi" (Nhân vật cung cấp).

 Sau vai diễn ni cô Huyền Trang, không thấy bà đóng phim? Có phải vì vai ni cô Huyền Trang là cái bóng quá lớn, bà sợ không thể vượt qua?

- Ni cô Huyền Trang là vai cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Sau đó, tôi chuyển sang vai trò phát thanh viên, đạo diễn, Phó Giám đốc Hãng phim Công an. Với vai trò là người quản lý, tôi không có nhiều thời gian để đóng phim nữa.

Hơn nữa, trong thâm tâm tôi chưa có kịch bản nào hay và chưa có nhân vật nào đủ vượt qua cái bóng của ni cô Huyền Trang, nên tôi cũng ít nhận lời đóng và chắc có lẽ không đóng phim truyền hình nữa. Để nhân vật ni cô Huyền Trang sống mãi trong lòng khán giả.

Thành công của bộ phim và vai diễn ni cô Huyền Trang đã mang lại cho cô danh tiếng và giải thưởng. Cát-sê của bà khi ấy chắc cũng không ít nhỉ?

tem phiếu. Hằng năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất rất ít phim nên việc được chọn một vai nào đó là điều rất tự hào của diễn viên. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến cát-sê, ký hợp đồng vai chính, vai phụ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, vẫn được nhận một khoản tiền gọi là bồi dưỡng thanh sắc. Như tôi, đóng 4 tập Biệt động Sài Gòn được bồi dưỡng 18 triệu đồng, sau khi đổi tiền năm 1985 còn 1,8 triệu đồng nhưng vẫn vui, vì thời đó không bị kinh tế thị trường chi phối mà chỉ nghĩ nghệ thuật là trên hết.

Sở hữu nhan sắc vừa dịu dàng vừa đài các, nghe nói sau vai diễn ni cô Huyền Trang, bà có nhiều chàng trai theo đuổi?

- Thứ nhất là tôi đang làm trong lực lượng vũ trang nên điều kiện sống theo kỷ luật của nhà binh, không có điều kiện giao lưu tiếp xúc nhiều. Thứ hai là mình đã có gia đình, tất nhiên mình cũng có cảm xúc trân trọng khi nhiều người quý mến mình. Ngày xưa tình cảm quý mến đó cũng có một khoảng cách nhất định chứ không phải kiểu xô bồ và cũng không hiện đại như bây giờ.

"Chồng tôi lạnh lùng, ít nói…đúng mẫu người tôi thích"

 Nhiều người vẫn thắc mắc, một mỹ nhân xinh đẹp, dịu dàng của kinh đô Hà Thành làm say đắm biết bao chàng trai như Thanh Loan, lại đổ gục trước một Tiến sĩ Toán hơn mình đến 10 tuổi?

- Khi đó tôi đang là lính, không bao giờ được phép sinh hoạt tại nhà, thứ bảy, chủ nhật cũng bị cấm trại không được ở nhà ngủ, vì thế ít có thời gian, điều kiện để tìm hiểu rồi hẹn hò yêu đương.

"Ấn tượng của tôi về chồng mình là người hiền lành, ít nói".

Mà khi đó, con gái 23 tuổi chưa có người yêu mọi người thúc giục lắm. Thế là trong một lần đi công tác tôi gặp đạo diễn Thu Chung, bà thấy tôi con gái làm bộ đội cũng hiền lành, chân chất và giản dị nên đã giới thiệu ông xã hiện nay cho tôi.

Được biết ông xã khi đó đã "cưa đổ" bà bằng… thơ?

- Ngày đó, được tặng bó hoa nhựa thôi cũng là cảm động lắm rồi thế mà ông ấy còn làm thơ, vẽ chân dung tặng tôi nữa, lãng mạn thật (cười). Ông ấy giỏi về cầm kì thi họa.

Ấn tượng của tôi về chồng mình là người hiền lành, ít nói. Gặp người đàn ông cao to, đẹp trai lại tri thức, hiểu biết mà hiền hậu như thế là tôi cảm nắng ngay.

Tất nhiên, để đi đến tình yêu và hôn nhân chúng tôi cũng có thời gian tìm hiểu. Chồng tôi bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong lại rất ấm áp, tình cảm, đúng mẫu người tôi thích.

Người ta vẫn nghĩ nhà Toán học thì cuộc sống hẳn "khô như ngói", nhưng với trường hợp vợ chồng bà thì ngược lại?

- Bạn bè tôi cũng có nhiều người lấy chồng khác nghề nhưng cuộc sống vẫn rất ổn định, vững vàng, hạnh phúc. Với tôi, cứ sống chân thành, giản dị với nhau thôi. Hơn nữa, có lẽ quen với cuộc sống ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên tôi luôn hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có.

Vì bình yên và vắng bóng quá lâu nên có thời điểm bà dính vào những tin đồn ác ý như bị đánh ghen, tạt axit, đi tu…?

- Tôi nghĩ, là nghệ sĩ, người của công chúng thì khó tránh khỏi những tin đồn ác ý và thị phi, sẽ có nhiều người yêu mến nhưng cũng có người ghét bỏ, đố kị và bịa đặt, đó là chuyện rất đời. Tôi xem nó là bình thường và không để tâm tới.

Trong gia đình, ai là người có ảnh hưởng tới cuộc sống và sự nghiệp của bà?

Đó là mẹ tôi - một người đàn bà tần tảo, chịu khó và thương con. Mẹ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi 8 người con trong thời kì chiến tranh, chạy loạn rồi sau này là thời kì bao cấp.

Ở độ tuổi này, bà sợ nhất là điều gì?

Tôi chỉ sợ sức khỏe của mình kém thôi, tôi là người thích ngao du, đi chơi mà. Nên tôi lập nhóm "Hoa chân" để thi thoảng bạn bè, anh chị em nghệ sĩ của tôi lại gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!

"Có lẽ quen với cuộc sống ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên tôi luôn hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có".

Thanh Loan tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh ngày 21 tháng 1 năm 1951 tại Hà Nội, bà là con thứ năm trong gia đình có tám người con, không ai làm nghệ thuật. Năm 15 tuổi, Thanh Loan trúng tuyển diễn viên đúng thời điểm bắt đầu chiến tranh Miền Bắc, nên phải chờ đợi mở lớp diễn viên tại đoàn kịch nói Tổng cục Chính Trị. Ngày 1/2/1967 bà được đeo lon binh nhì. Sau khi tốt nghiệp, bà trở thành diễn viên ở đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Đến khi lập gia đình, bận bịu con nhỏ, bà rẽ ngang sang làm phát thanh viên truyền hình quân đội công an. Rồi bà làm đạo diễn phim tài liệu, giữ vai trò phó Giám đốc Điện ảnh Công an, bận rộn hơn với công việc biên tập, đạo diễn, viết kịch bản, giảng dạy về diễn xuất…

Năm 1982, bà ghi dấu ấn với vai diễn ni cô Huyền Trang - nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành trong bộ phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân. Trước đó, bà cũng đã ghi dấu ấn qua nhiều bộ phim nổi tiếng như: Bài ca ra trậnNgười chưa biết nóiTuổi thơBản đề án bị bỏ quênPhương án ba bông hồngTrời xanh qua kẽ lá, Bí mật thành phố cấm …

Sau thành công của bộ phim Biệt động Sài Gòn, bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu rồi nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Vừa qua, NSƯT Thanh Loan là một trong 5 nghệ sỹ của lực lượng Công An được xét đề nghị lên cấp trên phong tặng danh hiệu NSND.