Nửa ngày sau vụ cháy làm 4 người chết xảy ra ở căn nhà số 24 phố Thành Công (quận Hà Đông, Hà Nội), thi thể các nạn nhân được bàn giao cho gia đình để chuẩn bị các thủ tục hậu sự.

Chuyên gia PCCC & CNCH đánh giá đây là vụ việc gây thương vong lớn, hậu quả nghiêm trọng với 3 yếu tố chính cấu thành.

Bà cụ gọi điện cầu cứu con trai khi ngọn lửa bùng lên

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Hà Nội, thời điểm xảy ra hỏa hoạn, 4 nạn nhân đang ở tầng 2 và tầng 3 của căn nhà.

Trong khi đó, ngọn lửa được cơ quan chức năng xác định xuất phát từ tầng một, sau đó lan nhanh lên các tầng phía trên. Sau 5 phút nhận tin báo cháy (7h44-7h49), cảnh sát PCCC & CNCH đã có mặt tại hiện trường để tổ chức dập lửa, cứu nạn. “Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi lực lượng tiếp cận thì các nạn nhân đã tử vong”, vị này nói với Zing.

Toàn cảnh căn nhà xảy ra vụ cháy. Ảnh: Hồng Quang.

Theo báo cáo của Công an Hà Nội, căn nhà gặp sự cố có diện tích 50 m2, diện tích xây dựng khoảng 40 m2. Nhà cao 3 tầng, một tum thông thoáng có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới. Khu vực tum này có diện tích sân trước khoảng 5 m2, lợp mái tôn.

Đồng thời, mặt trước của căn nhà tiếp giáp với đường Thành Công chiều rộng khoảng 4 m, mặt sau tiếp giáp với Trường Tiểu học Đoàn Kết, hai mặt còn lại tiếp giáp nhà dân.

Thông tin thêm, lãnh đạo UBND phường Quang Trung (quận Hà Đông) cho biết sau khi ngọn lửa bùng phát, bà N.T.X. (67 tuổi, một trong 4 nạn nhân ở trong nhà) đã lập tức gọi điện cho con trai để thông báo sự việc. Lúc này, anh M. đã ra ngoài, không kịp về cứu mẹ và các con.

Theo lãnh đạo phường Quang Trung, gia đình có cháu nhỏ nên có thể lúc cháy bà X. lúng túng, không tìm được lối thoát ngay dẫn đến sự việc đau lòng. Vị này cho biết phía trước và sau ngôi nhà 24 Thành Công đều có lối thoát.

Vị lãnh đạo phường cũng cho hay bước đầu nguyên nhân sự cố được nhận định là chập điện. Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục làm rõ các yếu tố liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

“Khung sắt bao quanh nhà không khác gì tự nhốt mình”

Theo dõi diễn biến vụ việc và hình ảnh hiện trường, đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Phòng cháy Chữa cháy, đánh giá có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thương vong lớn trong vụ việc trên.

Thứ nhất, khói độc theo cầu thang, lan nhanh lên các tầng phía trên khiến các nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để thoát nạn, thậm chí nhanh chóng lịm đi rồi tử vong. “Kết cấu căn nhà với cầu thang hở, do vậy khói sẽ lan nhanh lên, trước khi lửa kịp bùng lên”, ông Xiêm nhận định.

Theo nghiên cứu, những đám cháy trong nhà và phòng kín, vì hàm lượng oxy cung cấp không đủ nên đám cháy sinh ra nhiều khí độc, trong đó đặc biệt là cacbon monoxit (CO). CO là 1 khí độc không màu, không mùi, không vị. Đây chính là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn những hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.

Ở thời gian đầu, khí CO không gây khó chịu nên người hít phải rất khó phát hiện. Tuy nhiên khi ngọn lửa bùng phát mạnh, với nồng độ CO là 0,32%, nạn nhân có thể bị tử vong chỉ từ 30 phút tiếp xúc. Thậm chí mức độ nặng hơn là 1,28% CO, nạn nhân có thể bất tỉnh trong 2-3 hơi thở, tử vong chỉ sau 3 phút. Chưa kể, vụ cháy trong nhà dân ở đô thị còn kèm theo nhiều khí độc khác khi lửa lan vào sơn tường, vật dụng …

Thứ hai, người bị nạn là trẻ nhỏ và người già nên sức chống chịu và kỹ năng thoát nạn kém. Theo vị chuyên gia, trong một sự cố bên cạnh việc ứng xử an toàn thì người gặp nạn cần kỹ năng ứng xử thông minh để nhanh chóng tìm được phương án thoát nạn. “Rất tiếc, với người già và trẻ nhỏ thì việc này khó có thể thực hiện”, ông Xiêm nói.

Khung sắp bịt kín căn nhà xảy ra cháy. Ảnh: Hồng Quang.

Từ hình ảnh hiện trường, một nguyên nhân nữa được PGS.TS Ngô Văn Xiêm nêu ra là từ tầng 2 đến tầng 3 được lắp khung sắt bảo vệ. Về bản chất, đây là việc người dân phòng chống trộm cắp nhưng vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình khi xảy ra hỏa hoạn.

Đặc biệt khi xảy ra vụ cháy vào sáng 13/5, 4 nạn nhân đều ở 2 tầng này do vậy đây được đánh giá là nguyên nhân khiến việc tìm lối thoát và cứu nạn, cứu hộ gặp khó. Điều này cũng được một người hàng xóm xác nhận với Zing khi anh này cố ném quả nổ chữa cháy lên tầng 2-3 nhưng bất thành.

Về giải pháp lâu dài, vị chuyên gia cho rằng việc phổ biến kiến thức thoát nạn và phòng cháy là yếu tố then chốt cần thực hiện. “Có 3 yếu tố gây cháy, thứ nhất là chất cháy ở nhà nào cũng có, thứ 2 là oxy cũng có mặt ở mọi nơi, chỉ có cái thứ 3 là nguồn nhiệt chúng ta có thể kiểm soát được”, ông Xiêm nói và cho biết kiến thức về việc kiểm soát, cách ly nguồn nhiệt cần được lực lượng cơ sở phổ biến rộng rãi hơn tới người dân.

khoảng 7h44 ngày 13/5, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Hà Nội nhận được tin báo cháy tại căn nhà số 24 phố Thành Công, quận Hà Đông, Hà Nội. Trung tâm đã điều động 4 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH Bộ Công an cũng có mặt để phối hợp chỉ đạo. Đến 8h15 đám cháy cơ bản được dập tắt.

Căn nhà xảy ra sự việc có diện tích đất khoảng 50 m2, diện tích xây dựng khoảng 40 m2, cao 3 tầng, một tum. Vụ cháy làm 4 người chết là: Bà N.T.X. (sinh năm 1956); các cháu N.M.P. (sinh năm 2013); N.Q.M.Đ. (2015), N.Q.M.H. (2019).

Ba nạn nhân nhỏ tuổi là con của chủ hộ. Bà X. là bà nội của các cháu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn.

Đồng thời, ông yêu cầu UBND Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng cháy, chữa cháy đồng thời, chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

UBND Hà Nội cũng được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý nghiêm theo quy định.