Không cần phải ép bản thân theo những gì người khác mong đợi

Có một câu chuyện thế này: Ngày xưa trong một ngôi làng nhỏ có hai anh em trai, người anh là một người rất nhiệt tình, trong làng có ai cần giúp đỡ anh đều tới giúp một tay, dần dà, mọi người quen với điều đó, coi đó là lẽ đương nhiên, cứ có việc gì là đều tìm anh giúp. Còn người em thì hoàn toàn ngược lại, cậu ta ham ăn lười làm, ai nhờ cậu ấy việc gì thì cậu ta đều từ chối, vì thế mọi người chẳng bao giờ nhờ cậu ta việc gì.

Có một lần cả làng bàn nhau đào giếng, người anh vì có việc bận không thể đến giúp nên bảo người em tới. Tối người anh về nhà, trên đường vô tình nghe thấy hàng xóm ngồi nói chuyện với nhau: “Cậu hai tốt thật đấy, làm việc cũng cần cù chăm chỉ, làm cả buổi chiều mà không uống ngụm nước nào. Ông xem cậu cả, hôm nay lười quá, lúc quan trọng thì vẫn phải trông chờ cậu hai".

Người anh không hiểu, tại sao lần nào anh cũng giúp, chỉ một lần không giúp thôi mà lại trở thành lười biếng trong mắt người khác. Còn cậu em chỉ tới có một lần mà lại trở thành chăm chỉ?

Con gái à, đây chính là cốt lõi của vấn đề. Nếu ngày từ đầu bạn đã cho người khác sự kỳ vọng rất cao thì sau này khi kỳ vọng ấy không thành thì họ sẽ trách móc bạn. Còn bạn thì chẳng thể lần nào cũng đạt được sự kỳ vọng của họ. Bởi vì con người ta luôn tham lam, được một đòi mười, nếu nhượng bộ một lần rồi thì có nghĩa rằng cuộc sống sau này bạn sẽ phải nhượng bộ mãi mãi.

Ví dụ như ngày đầu tiên ra mắt gia đình bạn trai mặc định mọi cô gái đều sẽ phải rửa bát. Tuy nhiên rửa bát một lần không sao cả, vấn đề chính là lần đầu tiên bạn thể hiện quá chăm chỉ thì sau này bạn sẽ phải sống chăm chỉ như thế cả đời, không được một ngày nhàn rỗi. Trong một gia đình không thể chỉ có một người chăm chỉ là được, hai người cùng sống thì cả hai đều phải làm việc nhà, có như thế thì hôn nhân của các bạn mới được bền lâu.

Nếu như ngay từ đầu họ không kỳ vọng và đặt yêu cầu quá cao vào bạn thì cuộc sống sau này của bạn trong gia đình họ sẽ được thoải mái hơn. Bạn không cần phải lo lắng rằng họ sẽ nghĩ bạn không chăm chỉ bởi vì lần đầu tới nhà họ, bạn là khách, họ phải tiếp đãi bạn thật tử tế mới phải. Bạn bằng lòng ngỏ lời giúp họ rửa bát là phẩm chất có gia giáo của bạn, bạn không rửa bát cũng là điều bình thường tương tự như thế.

Phải sống ngay thẳng, không được hạ thấp mình

Đương nhiên bất cứ một cô gái nào khi ra mắt bạn trai đều sẽ muốn có được sự công nhận của gia đình người ấy. Nhưng cho dù thế nào thì cũng không được hạ mình quá thấp. Cho dù bạn có yêu người ấy đến thế nào thì cũng không cần phải lấy lòng gia đình họ. Có một câu nói như thế này: “Những người thực sự thích bạn, điều họ yêu mến bạn là sự kiêu hãnh của bạn, chứ không phải là hình ảnh tự ti, thấp hèn cố lấy lòng người khác”.

Bạn vốn dĩ chính là một cô gái luôn luôn xinh đẹp, giỏi giang, xứng đáng để người khác yêu mến. Người quý mến bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy ưu điểm của bạn và yêu mến bạn từ tận đáy lòng. Thế nên, bạn không cần phải lấy lòng bất kỳ ai. Lần đầu tới nhà làm khách, tư thế bạn cần phải có là sự ngay thẳng, đứng đắn, không phải hạ mình, thế là đủ.

Bạn không cần phải đi lấy lòng họ bởi sau khi lấy lòng họ lần đầu tiên thì họ sẽ tự động làm cao chính mình và hạ thấp bạn, như thế thì cuộc sống ở nhà chồng sau này của bạn chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Nếu có người nói với bạn rằng, con gái lấy chồng là để sinh con và làm việc nhà thì đừng bao giờ nghe họ. Bây giờ không giống ngày xưa, tư tưởng như vậy đã lạc hậu lắm rồi, kết hôn là vì hai con yêu thương nhau, muốn sống với nhau trong quãng đời còn lại. Vì thế, bạn không được tự hạ thấp mình, bạn và cậu ấy đều bình đẳng như nhau, ai cũng không cần thiết phải lấy lòng ai.

Bạn phải ghi nhớ một điều: Đừng đi lấy lòng bất kỳ ai, cho dù là người thích bạn hay người ghét bạn thì đều không cần thiết, bạn chỉ cần là chính bạn. Vậy là đủ rồi.

Không hợp nhau thì không cần phải miễn cưỡng

Lần đầu tiên đến nhà bạn trai làm khách, gặp bố mẹ người ta thì nhớ phải lễ phép, không được quá tùy ý. Cho dù cuối cùng hai người có thực sự lấy nhau hay không thì gia giáo và đạo đức của gia đình không thể mất được. Bạn có thể đưa ra lời đề nghị giúp đỡ việc nhà thích hợp nhưng nếu họ thực sự để bạn làm thì bạn nhất định phải suy nghĩ thật kỹ: Một gia đình nhà chồng như thế thì liệu sau này có thể chung sống được hay không?

Bạn gả sang đó không phải là để làm người giúp việc. Nếu như gia đình họ đều có suy nghĩ như vậy thì ngay khi bạn còn chưa gả sang đó họ đã bắt đầu bắt bạn làm việc nhà rồi. Trước giờ người ta thường nói quan hệ mẹ chồng nàng dâu rất khó hòa hợp, thực ra cái khó chính là mối quan hệ của ba người.

Nếu như họ để bạn làm việc nhà ở ngay ngày đầu tiên ra mắt mà bạn trai bạn cũng không ngăn cản, vậy thì khuyên bạn rằng không thể lấy người đó làm chồng. Gặp phải một người đàn ông bám váy mẹ, bạn chắc chắn sẽ chịu khổ, cho nên phải cẩn thận hơn với một người đàn ông như thế.

Yêu đương là chuyện nhất thời, nhưng hôn nhân là chuyện lớn cả đời. Tất cả hạnh phúc và đau khổ đều có vòng tuần hoàn. Vấn đề cho dù nhỏ mà lặp đi lặp lại nhiều lần thì dần dà sẽ trở thành mâu thuẫn rất lớn.

Tôi từng chứng kiến một câu chuyện cam chịu dẫn đến sai lầm lớn nhất cuộc đời. Dì tôi vừa mới ly hôn, vấn đề nằm ở việc gia đình chồng dì ấy rất vô lý. Một mình dì chăm con cái, lại còn phải đi làm, đi làm về lại phải hầu hạ gia đình chồng. Ấy vậy mà họ không hề cảm kích mà còn coi đó là lẽ dĩ nhiên, còn nói xấu dì với người ngoài. Chồng dì ấy thì luôn bảo dì phải nhịn, hai người không biết đã cãi nhau bao nhiêu lần mới dẫn đến kết cục ly hôn.

Bởi vậy nên nếu như từ ngày đầu tiên ra mắt bạn đã có cảm giác không thoải mái, vậy thì đừng miễn cưỡng. Bạn phải suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định kết hôn và chung sống trong một gia đình như thế.