Nấm mèo còn gọi là nấm tai mèo, mộc nhĩ, có tên khoa học là Auricularia auricula, thường mọc trên cây gỗ mục ẩm ướt, hình nấm giống tai người vì vậy gọi là mộc nhĩ (tai của gỗ).

Theo Đông y, mộc nhĩ vị ngọt tính bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận. Tác dụng làm mát máu, làm ngừng chảy máu do va đập, bị thương. Chữa trị các bệnh trường phong hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị, lỵ ra máu, đái dắt, đái ra máu, trị lở, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết.

Tuy nhiên khi ăn mộc nhĩ cần chú ý những điều sau:

Một thực phẩm bổ dưỡng như mộc nhĩ, xong vì sai lầm trong cách chế biến và ăn uống mà mất đi công hiệu của mình hoặc thậm chí phản tác dụng. Ảnh minh họa: Internet

Ăn mộc nhĩ ngâm lâu ngày tại sao nguy hiểm?

Mộc nhĩ là loại nấm không độc, ăn được và có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Các chuyên gia chỉ ra rằng bản thân nấm đen không có độc, tuy nhiên, nếu mộc nhĩ ngâm nước quá lâu sẽ bị biến chất, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn có hại sinh sôi và phát triển.

Loại vi khuẩn trong mộc nhĩ có thể sản sinh ra một chất độc cực mạnh có tên là BKA không dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao, chính vì thế dù thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn cũng sẽ không thể tiêu diệt được hết độc tố này.

Chất độc này khi đã xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Nếu người bệnh ngộ độc nhẹ còn có thể cứu chữa nhưng nếu độc tố quá mạnh, đã xâm nhập vào nhiều cơ quan thì khả năng cứu sống là rất thấp.

Ăn mộc nhĩ không nhai kĩ

Không phải ngẫu nhiên mà có câu “ăn chậm, nhai kĩ”, bởi đơn giản việc nhai dối, nhai vội vàng rồi nuốt khiến cho quá trình tiêu hóa khó khăn hơn, việc hấp thụ chất dinh dưỡng cũng lâu hơn hoặc sẽ bị hóc, bị nghẹn thức ăn rất nguy hiểm.

Đối với mộc nhĩ, việc ăn uống thiếu tính khoa học như trên có thể dẫn đến chứng tắc nghẽn ruột. Mộc nhĩ còn nguyên miếng hoặc miếng to, với một số lượng nhất định, khi đi vào cơ thể sẽ khiến ruột bị trương phình lên, tạo nên chứng tắc nghẽn ruột cấp tính rất nguy hiểm.

Không nên ăn mộc nhĩ tươi 

Mộc nhĩ là loại thực phẩm phổ biến và cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe mọi người không nên ăn mộc nhĩ khi còn tươi. Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin - chất nhạy cảm ánh sáng. Nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi, cơ thể có tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây viêm da, ngứa, phù nề, trầm trọng có thể gây hoại tử da.

Khi mộc nhĩ được phơi khô, chất cảm quang ánh sáng sẽ mất đi, độc tính không còn nên ăn sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, khi nấu mộc nhĩ nên nấu chín hoàn toàn, tuyệt đối không ăn mộc nhĩ khi vừa nấu chín tới.

Phần lớn các loại mộc nhĩ khi đến tay người tiêu dùng đều đã được phơi khô, cần phải ngâm vào nước lạnh để mềm và nở ra như trạng thái ban đầu.

Không nên ăn mộc nhĩ ngâm quá lâu

Mộc nhĩ nói riêng và các loại thực phẩm khô nói chung khi ngâm vào nước sẽ giúp hòa tan độc tố và làm cho thực phẩm an toàn hơn. Tuy nhiên, với mộc nhĩ khi ngâm lâu sẽ bị biến chất do chất đạm bị thủy phân khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Ăn phải mộc nhĩ nhiễm khuẩn nguy cơ ngộ độc là rất cao. Khi bị ngộ độc mức độ nhẹ, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể phải nhập viện cấp cứu. Do đó, để an toàn cho sức khỏe các bác sĩ khuyên mọi người chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15 - 20 phút. Sau đó rửa sạch, cắt bỏ phần chân trước khi chế biến.