Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin và tiến hành những biện pháp bảo hộ tiếp theo với 25 công dân bị lừa sang lao động tại Campuchia được hồi hương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, khi trả lời câu hỏi của VnExpress về tình hình người Việt bị lừa sang làm việc tại casino ở tỉnh Kandal, Campuchia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào chiều 25/8. Ảnh: Hồng An. 

Theo bà Hằng, trong số những công dân được làm thủ tục về nước có 11 người được giải cứu từ cơ sở lao động ở tỉnh Kadal, gồm một người bị bảo vệ bắt trong khi cố bỏ trốn ngày 18/8. Cảnh sát Campuchia hôm 22/8 đã bắt quản lý nơi các công dân Việt Nam làm việc.

"Các công dân đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và có kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy", bà Hằng nói thêm.

Bộ Ngoại giao đề nghị Campuchia sớm điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong sự việc, tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở lao động, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh giải trí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường sử dụng lao động bất hợp pháp, bảo vệ và giải cứu những trường hợp lao động nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, bị chủ sở hữu bóc lột.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng đã cứu thoát, đưa về Việt Nam an toàn hơn 500 công dân và hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn người khác tại Campuchia. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép ở Campuchia và phát cảnh báo công dân liên quan đến vấn đề này.

Cảnh sát Campuchia làm thủ tục về nước cho 25 công dân Việt Nam bị lừa sang lao động. Ảnh: Internet. 

Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, An Giang ngày 18/8 bắt 40 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những người này cho biết có tổng cộng 42 người trốn khỏi casino ở tỉnh Kandal, Campuchia, bơi qua sông Bình Di về nước. Tuy nhiên, một người bị nước cuốn thiệt mạng, một người bị bảo vệ casino bắt lại.

Những người này khai trước đó trốn sang Campuchia làm việc tại một số casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, họ tìm cách vượt biên về Việt Nam.

Truyền thông Campuchia hôm 22/8 dẫn lời tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên Cục Di trú, cho biết giới chức đã kiểm tra casino trên và bắt quản lý người Trung Quốc. Người này thừa nhận đã cưỡng ép lao động người Việt làm việc trái ý muốn.