Ngày 6/8, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sau 4 năm thực hiện phẫu thuật thay, sửa van tim bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, tính đến nay, BV Đại học Y dược TPHCM đã điều trị cho 200 ca phẫu thuật chỉnh sửa hoặc thay van tim bằng phương pháp này. Đây là phương pháp hiệu quả an toàn cao, ít xâm lấn tỷ lệ phục hồi nhanh và ít tốn kém.

Trường hợp đầu tiên được mổ nội soi thay hai van tại khu vực miền Nam là bệnh nhân nam (49 tuổi, ngụ Bình Phước), nhập viện trong tình trạng khó thở khi gắng sức, sụt ký, xanh xao… Anh được chẩn đoán mắc bệnh van động mạch chủ và van hai lá nặng hậu thấp từ lâu. Sau đó, các bác sĩ bệnh viện Đại Học y Dược TPHCM đã tiến hành phẫu thuật nội soi thay van hai lá cho anh. Kết quả hiện sức khoẻ bệnh nhân vẫn ổn định.

Một trường hợp nữa là bệnh nhân N.T.B. (69 tuổi, ngụ TP.HCM). Ông B. hay khó thở khi gắng sức, được chẩn đoán hẹp van hai lá nặng, nếu không được phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Dù e ngại tuổi già sức yếu nhưng được sự động viên tích cực từ chồng, ông B. vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, tình cờ các bác sĩ phát hiện người bệnh bị phình động mạch chủ bụng dạng túi. Phình động mạch chủ là dạng phình có nguy cơ vỡ cao, đặc biệt là khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể ngược dòng trong mổ tim nội soi. Sau khi được các bác sĩ tư vấn tận tình, ông B. và chồng quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật soi thay van tim thành công tốt đẹp, sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật ổn định.

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, ở nước ta, bệnh van tim khá phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả bệnh van tim bẩm sinh và bệnh van tim mắc phải.

Phẫu thuật thay van tim nội soi tại đại học Y dược TPHCM. Ảnh BVCC

Trong đó, bệnh tim bẩm sinh gặp ở trẻ em, bệnh van tim hậu thấp thường gặp ở người trưởng thành trẻ tuổi và trung niên, bệnh van tim thoái hóa thường gặp ở người lớn tuổi. Các bệnh van tim nguyên phát rất đa dạng, thường gặp nhất là các dị tật van hai lá bẩm sinh gây hẹp hoặc hở van hai lá, van động mạch chủ bẩm sinh hai mảnh hoặc một mảnh, hẹp hoặc hở van hai lá hậu thấp, hẹp hoặc hở van động mạch chủ hậu thấp, hẹp hoặc hở van hai lá do thoái hóa, hẹp hoặc hở van động mạch chủ do thoái hóa, bệnh van tim sau xạ trị, bệnh van tim do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, người bệnh bị bệnh van tim thời gian đầu sẽ không có triệu chứng. Khi bệnh diễn biến nặng, khả năng dự trữ của tim bắt đầu giảm, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm, phù chân, chán ăn, sụt cân, đau ngực, choáng hoặc ngất. Một số người bệnh có biểu hiện gần giống hen và có thể được chẩn đoán nhầm với hen. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ ngày càng nặng nề, thường xuyên và dẫn đến suy tim không hồi phục.

 

BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chúc mừng bệnh nhân sau phẫu thuật thành công.

Đa số người bệnh mắc các bệnh lý van tim đến bệnh viện khi tình trạng suy tim đã diễn tiến nặng, khiến việc hồi phục diễn ra khó khăn hơn các trường hợp phẫu thuật khi tim chưa suy giảm chức năng.

Hai loại van tim nhân tạo hiện nay được sử dụng là van cơ học và van sinh học, mỗi loại van đều có những ưu - nhược điểm nhất định nên người bệnh thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn van tim thay thế. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí thay van tim nhân tạo khá cao nên nhiều người bệnh chưa có điều kiện phẫu thuật.

Nếu như theo phương pháp mổ thông thường là mở một đường dọc xương ức, vết mổ rất dài, người bệnh cần ít nhất 1 tháng để sinh hoạt bình thường, ba tháng để trở lại làm việc; thì với mổ nội soi, người bệnh chỉ mất 2 tuần để sinh hoạt bình thường và 1 tháng để trở lại công việc hằng ngày. Hơn nữa, việc chẻ xương ức có thể gây một số biến chứng như nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững,.. Hiện nay, phẫu thuật tim ít xâm là một kỹ thuật tiên tiến. Với kỹ thuật này, người bệnh không phải mở toàn bộ xương ức mà chỉ cần một đường mở ngực nhỏ để đảm bảo thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, giúp người bệnh ít đau, sớm hồi phục và trở về sinh hoạt thường ngày, sẹo mổ nhỏ giúp giảm đi sự tự ti và ám ảnh cho người bệnh.