Còn 2 tuần nữa là đến Tết, mà chị và anh ngày nào cũng khắc khẩu, mở miệng ra là cãi nhau. Bình thường chị chủ động làm lành trước, nhưng sức chịu đựng có hạn, lần này chị quyết không nhún nhường thêm nữa. Đêm đến mỗi người nằm một góc, ở giữa rộng thênh thang, chị nghĩ mà thở dài ngao ngán về kế hoạch chi tiêu ngày Tết của anh đưa ra.

Anh và chị đều ở quê ra thành phố lập nghiệp, gia đình 2 bên không có điều kiện giúp đỡ nên tất cả mọi thứ đều phải tự thân tự lập. Mặc dù may mắn là cả 2 đều có công ăn việc làm ổn định, nhưng mức chi tiêu ở thành phố khá đắt đỏ, cộng với việc đóng học phí cho 2 đứa con nên chẳng thấm vào đâu. Tiền lương tháng nào tiêu hết tháng ấy đôi khi còn thâm hụt. Nên bao nhiêu năm ở thành phố anh chị vẫn ở nhà thuê, nhưng như vậy mãi sao được. Vậy mà dường như anh không hiểu cho những nỗi lo của chị, làm được đồng nào anh chỉ muốn hưởng thụ trước đã.

Gia đình ở dưới quê đông anh em, từ việc mua sắm trong nhà cho đến quà biếu Tết, lì xì cho họ hàng chị là người lo toan hết mọi thứ. Từ ngày lấy anh, mỗi khi Tết đến, chị chưa sắm cho mình được một bộ quần áo mới nào cho mình, cũng như không thể đi làm tóc mới để chưng diện ngày xuân. Anh thuộc tuýt người gia trường và sĩ diện cao. Để làm “màu” với họ hàng, anh tự đi mua điện thoại mới, mua com-lê cho mình mà chẳng hỏi vợ con lấy một câu và vợ con anh cũng chẳng lo.

Chị chia sẻ nỗi lòng của mình mà anh không hiểu. Ảnh internet

Anh nói Tết này, biếu ông bà nội 10 triệu tiêu Tết, nhưng không đếm xỉa gì đến ông bà ngoại. Anh dặn dò kĩ mua quà thế nào, bao nhiêu tiền để biếu họ hàng nhà nội, lì xì cho các cháu mỗi phong bao ít nhất là 100 nghìn. Mà các cháu ở quê nhiều lắm, tính ra phải mất cả mấy triệu tiền lì xì. Nghe anh nói vậy, chị chẳng buồn nói lại, vì năm nào cũng thế. Lần nào chị cũng góp ý, nhỏ nhẹ có, nặng có mà anh không chịu thay đổi. Anh nói: “Chán cho vợ, làm không hưởng thụ, mà chỉ biết tiết kiệm, biết khi nào mới sướng được”. Nghe những lời này như đang sát muối vào từng khúc ruột chị. Chị đau lắm vì chính người “đầu gối, tay kề” với mình lại không hề hiểu và thông cảm cho chị. Chị không tính toán trước sau thì khi nào mới mua được nhà, rồi làm sao lo con cái có tiền đóng học, để gia đình có miếng ăn miếng để, ấm no, hạnh phúc. Cứ như anh, sống chỉ biết nay không biết mai biết đến khi nào mới “nở mày nở mặt” được.

Chị chia sẻ phân tích cho anh nghe, khi anh đuối lý cho thì quát to “Không có đủ tiền thì đi mượn, mỗi năm có một cái Tết phải làm cho thật đàng hoàng chứ”. Anh bảo biếu quà, cho tiền cũng chỉ để làm chị đẹp mặt, có tiếng là con dâu hiền. Nhưng anh không hiểu được là mình tìm cách kiếm tiền tiêu Tết để vợ con đỡ lo, đằng này đi vay, cuối cùng số nợ đó cũng đổ lên vai chị phải trả. Hơn nữa, chị nghĩ đâu phải cứ quà to, tiền nhiều thì mới hiếu thảo, phận làm con dâu đâu phải chị không biết lễ phép trước sau, chị vẫn lo toan quà biếu Tết nhất cho bố mẹ đầy đủ, kinh tế mình chưa có, bố mẹ cũng sẽ cảm thông, thấu hiểu…

Không khí trong nhà ngày càng ngột ngạt vì kế hoạch chi tiêu lãng phí của anh. Ảnh internet

Cứ như thế, những ngày Tết đến càng gần nỗi lo trong lòng chị lại càng chồng chất, chẳng muốn bàn bạc gì thêm với anh nữa. Chị thấy lo cho cách anh tiêu tiền Tết, quá sĩ diện, khiến cho cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn và ngột ngạt. Lương của anh và chị không tăng, nhưng mọi thứ ngoài kia đều tăng. Nếu anh cứ như vậy, vẫn không nghe chị, chắc năm nay chị sẽ xin phép bố mẹ chồng cho mình và các con về ngoại ăn Tết. Còn anh muốn làm gì thì làm, chị đã mệt mỏi vì lo tiền trả sợ, vì phải giữ thể diện cho anh lắm rồi.