Ngày càng nhiều trường hợp ngộ độc rượu

Hai người ở Vĩnh Phúc tử vong do ngộ độc rượu không phải là trường hợp đầu tiên, trên thực tế đã có rất nhiều, đặc biệt vào dịp lễ tết.

Số vụ ngộ độc thực phẩm trong đó có ngộ độc rượu ngày càng gia tăng

Theo các bác sĩ, việc sử dụng rượu - một loại đồ uống có cồn quá nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Trong đó, ngộ độc thị thần kinh do rượu là một tình trạng nguy hiểm cần phải cảnh giác.

Ngộ độc thị thần kinh do rượu là tình trạng xảy ra khi người bệnh liên tục uống quá nhiều rượu trong khoảng thời gian kéo dài. Hoặc cũng có trường hợp do bệnh nhân uống phải rượu kém chất lượng.

Rượu khi được đưa vào cơ thể sẽ được hấp thu thông qua đường tiêu hóa. Quá trình này 20% rượu sẽ hấp thu tại dạ dày và ruột non sẽ tiếp nhận 80% còn lại, sau khoảng từ 30 - 60 phút cơ thể sẽ hoàn thành việc hấp thu. Sau đó, khoảng 90% rượu sẽ được gan thực hiện chuyển hóa, rồi đào thải ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân tiêu thụ quá nhiều và liên tục loại đồ uống có cồn này sẽ dẫn đến quá tải trong quá trình hoạt động chuyển hóa và đào thải của các cơ quan trong cơ thể. Điều này khiến nồng độ cồn trong máu duy trì ở mức quá cao gây nên tình trạng ngộ độc.

Báo cáo của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11/2022). Tính chung 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.

Riêng tại Hà Nội, trong năm 2022, trên địa bàn xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol; 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tháng Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Lê Văn Thịnh điều trị cho ít nhất 20 trường hợp phải nhập viện liên quan tới sử dụng rượu bia.

Một số biểu hiện để nhận biết ngộ độc rượu

Bác sĩ Chuyên khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ: Tình trạng ngộ độc thị thần kinh do rượu thường xuất hiện ở các đối tượng lạm dụng rượu, những người thường xuyên duy trì thói quen tiêu thụ rượu trong thời gian dài. Do vậy, những người này cần chú ý đến các biểu hiện để đi thăm khám kịp thời, đó là: Thị lực dần trở nên kém đi, mắt nhìn mờ; thị trường mắt bị thu hẹp. Thông thường, tổn thương sẽ xảy ra ở cả hai bên mắt và không gây cảm giác đau nhức cho người bệnh. Trường hợp có sự tiến triển xấu sẽ có khả năng dẫn tới teo dây thần kinh thị giác.

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - lưu ý, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Người Việt Nam để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với nữ: 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39,9%; nam 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39,9%.

Cần lưu ý, trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn. Bia hàm lượng rượu ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng ethanol uống cũng đáng kể.

Vì vậy, cần chọn mua loại rượu, bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp bạn uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp.

Những trường hợp nhập viện do ảnh hưởng của rượu bia hầu hết bị viêm gan, xơ gan. Nếu không được can thiệp điều trị và cai bia rượu kịp thời thì nguy cơ chuyển biến ung thư gan rất cao. Ước tính có khoảng 90% người nghiện rượu nặng phát triển gan nhiễm mỡ, trong số đó 10 - 35% sẽ phát triển viêm gan do rượu. Khoảng 20 - 40% người viêm gan do rượu tiến triển xơ gan. Trên 20% gan nhiễm mỡ do rượu tiến triển sang xơ gan. Người bị xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan…

Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, vào dịp lễ Tết nhiều trường hợp uống rượu khi vào cấp cứu nếu nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì sẽ gây tử vong cho hầu hết người bệnh.