"Tết này, tính sao?"

Chị Huỳnh Thị Kim Linh (41 tuổi, công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân) cố cười gượng khi được hỏi: "Tết này, tính sao?". Chị Linh có thâm niên hơn 21 năm làm ở công ty, với mức lương dao động 7-8 triệu đồng/tháng. Dù luôn hoàn thành tốt công việc nhưng chị vẫn nằm trong danh sách 1.185 công nhân bị thôi việc.

Chị Linh nhận được tin chấm dứt hợp đồng lao động hồi cuối tháng 10. Khoảnh khắc đó, chị bàng hoàng, đầu óc trống rỗng vì không nghĩ bản thân gắn bó lâu như vậy, nay vẫn phải rời khỏi đây.

"Tính sao bây giờ, tôi cũng không biết. Công ty thông báo cho chúng tôi làm hết 30/11, nhưng khóa sổ trước 24/12. Rồi giờ đi xin việc mà ai nhận người tuổi này nữa, 41 tuổi rồi. Mà chưa chắc gì tôi có thể làm được lượng công việc đòi hỏi ở nơi khác. Cứ tưởng gắn bó lâu như vậy là ổn định, yên tâm rồi, ai ngờ còn vài tháng nữa Tết lại gặp cảnh này", chị Linh buồn bã.

Trong đợt nghỉ này, công nhân cũ làm vài năm, hay người làm mấy chục năm cũng được công ty trả lương tháng 13 và 2 tháng lương còn lại, chị Linh nghĩ mà xót cho 21 năm gắn bó ở đây.

Hiện, mỗi tháng, hai vợ chồng chị thu nhập hơn 15 triệu, nhưng chi tiêu điện, nước, nhà trọ thôi đã 2 triệu, chưa tính tiền ăn uống, học phí cho các con. Thời gian tới, khi thu nhập gia đình bị sụt giảm một nửa, chị mông lung, chưa biết phải làm gì. Làm quá lâu ở một công ty khiến chị cũng rất sợ khi phải đi ứng tuyển, phỏng vấn xin việc.

Cũng tâm trạng ngổn ngang tương tự, chị Thu Dung (45 tuổi) cũng đã làm tại công ty Tỷ Hùng 9 năm. Mỗi tháng, hai vợ chồng chị làm chỉ được hơn 10 triệu, nhưng số tiền phải chi đến 8 triệu đồng. Chị Dung cho biết cả hai phải gồng gánh chi tiêu, nuôi cha mẹ già và các con vẫn còn đang đi học.

"Giờ chỉ có cách xài ít lại, cùng lắm bán bớt đồ trong nhà, đi vay mượn chỗ này chỗ kia coi sao. Gần Tết nên cũng khó xin việc lắm, chỉ còn cách đi hỏi trong xóm xem có ai thuê làm gì thì mình làm nấy", chị Dung bộc bạch.

Ai gan dạ lắm mới cho công nhân vay tiền

   Công nhân gọi điện khắp nơi xin việc nhưng đều bị từ chối

Nghĩ đến chiếc áo mới cho con ngày Tết, chị Kim Linh lắc đầu, thở dài ngao ngán. Mọi năm, dù khó khăn đến đâu thì cả nhà vẫn cố gắng sắm sửa quần áo mới, mua đồ ăn ngon để đón Tết. Thế nhưng, cái Tết năm nay, gần tới đây rồi mà dường như quá xa để với tới.

"Ngày thường tôi cũng phải tiết kiệm lắm thì may ra Tết mới ấm no. Nhưng giờ đùng cái phải nghỉ việc, thử hỏi tiền ở đâu xoay cho kịp mấy tháng cuối năm, nói chi là ăn Tết", chị tâm sự.

Nghĩ đến phương án đi vay tiền, chị Linh ứa nước mắt, không nói nên lời. Chị Linh cho hay, chị cũng đã từng ngỏ ý xin vay một khoản để lo việc nhưng hiếm có ai đồng ý cho vay.

"Làm công nhân, có ai gan dạ lắm mới dám cho chúng tôi mượn tiền. Qua dịch,  ai cũng khó khăn hết, người ta còn bận lo cho gia đình nên tôi cũng đâu dám hy vọng gì. Tết gần tới nhưng giờ thất nghiệp thế này, cũng đành chịu thôi", chị Linh nghẹn ngào.

Suốt 19 năm làm việc, đau ốm không dám nghỉ ngày nào, chị Kim Nhã (44 tuổi) nghe tin bị cho thôi việc như "sét đánh ngang tay". Theo chị Nhã, chồng chị không thể làm việc vì tai nạn nên một mình chị phải gồng gánh mọi chi tiêu trong gia đình 5 người, hai vợ chồng, con và cha mẹ già. Với mức lương trên dưới 10 triệu đồng, khoản tiền kiếm được mỗi tháng của chị cảm giác như "muối bỏ bể".

"Tôi cũng thử gọi về quê hỏi xin việc khắp nơi nhưng thất bại. Nhiều nhà máy ở Hậu Giang cũng đang cho công nhân nghỉ, hoặc nhẹ nhất cũng bị giảm lương. Mấy ngày nay tôi mất ăn, mất ngủ, làm việc không còn sức sống nữa. Giờ giống như phía trước là vực thẳm vậy đó, tiến hay lùi gì thì cũng khổ. Thật sự là tôi không thể thất nghiệp được, gia đình tôi phải ra sao đây", nữ công nhân bất lực, nói.