Ngày 5/8, tại cuộc giao ban định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cảnh báo, đợt dịch COVID-19 đang diễn ra tại nước ta phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tốc độ lây lan của dịch nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình.
 
Trong ngày 5/8 đã có thêm 2 tỉnh khác là Bắc Giang và Lạng Sơn báo cáo các ca bệnh COVID-19 liên quan đến Đà Nẵng, nâng tổng số 11 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc trong cộng đồng chỉ trong 10 ngày qua.
 
Điều này đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, làm rất mạnh và cương quyết tất cả biện pháp phòng dịch, giúp hạn chế những ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khống chế dịch không còn là việc riêng của Quảng Nam, Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
 
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân nên hạn chế đi lại, giao tiếp, giữ gìn vệ sinh, sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Ảnh: Internet
 
Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới, do đó người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh COVID-19. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay trên phạm vi cả nước.
 
Từ thực tế phòng chống dịch của nước ta và các nước trên thế giới thời gian qua cho thấy; chính việc đi lại, di chuyển nhanh,nhiều; tụ tập đông người là nguyên nhân cơ bản khiến dịch bệnh phát tán khắp nơi; khiến nhiều quốc gia bị “vỡ trận” mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
 
Ở nước ta, tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị là rất lớn. Nhận rõ thực tế này, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải từ đường bộ, đường hàng không đến đường sắt, đường thủy, ngay khi dịch xuất hiện, Chính phủ luôn yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc theo từng giai đoạn, cấp độ của dịch bệnh để có các biện pháp cụ thể trong phòng chống dịch.
Từ hạn chế từng phần có kiểm soát đến đóng cửa toàn bộ việc vận chuyển hành khách trong và ngoài nước bằng máy bay, tàu hỏa và các loại hình khác đi và đến các vùng có dịch.
 
Trước tình hình dịch bệnh đang lây lan khó lường trong cộng đồng, chúng ta cần thay đổi nhu cầu, thói quen đi lại, giao tiếp để thích ứng trong tình hình mới.
 
Theo đó, mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tùy theo điều kiện cần tổ chức lại không gian làm việc, sinh hoạt và sản xuất theo cách phù hợp nhất; làm việc, hội họp trực tuyến; mua sắm, giao tiếp online. Thực hiện sống chậm; sống đơn giản, tiết kiệm để phòng chống dịch. Khi có yêu cầu bắt buộc phải đi lại, ra ngoài nên đi bộ hoặc phương tiện cá nhân để vừa cơ động lại bảo đảm sức khỏe, bắt buộc phải đeo khẩu trang và cách xa 2m lúc trao đổi.
 
Các đơn vị vận tải, nhất là vận tải hành khách cần hết sức chú ý việc đảm bảo an toàn về phòng chống dịch cho đội ngũ lái xe và hành khách; tuân thủ nghiêm các yêu cầu của ngành chức năng, nhất là ngành y tế.