11 quan niệm sai lầm khi mang bầu nhưng ai cũng tin “sái cổ”
Mang thai là một giai đoạn rất quan trọng và thú vị trong cuộc sống của mỗi người phụ nữ. Không có gì ngạc nhiên khi một sự kiện lớn như vậy được bao quanh bởi rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau.
Khi mang thai, người phụ nữ luôn có tâm lý “khát” các kiến thức về chăm sóc và bảo vệ thai. Ngoài tìm hiểu trên sách báo, thông tin truyền thông, họ tin tưởng vào quan niệm, kinh nghiệm của những người “đi trước”. Nhưng những quan niệm đó liệu có đúng hoàn toàn?
Dưới đây là 11 quan điểm về giai đoạn mang thai mà nhiều người vẫn thường lầm tưởng và thực hiện theo.
1. Phụ nữ mang thai nên ăn gấp 2 lần bình thường
Nhiều chị em phụ nữ mang thai đều tin rằng việc ăn nhiều, ăn gấp đôi so với trước đây sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Ăn quá nhiều gây tăng cân không kiểm soát trong thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và gặp khó khăn khi sinh nở.
Các nhà dinh dưỡng học của Viện Y học Mỹ tuyên bố rằng nếu một người phụ nữ có cân nặng hợp lý và cơ thể khỏe mạnh thì không cần phải tiêu thụ thêm calo trong ba tháng đầu mang thai.
Các chuyên gia khuyên thai phụ nên bổ sung thêm 340 calo mỗi ngày trong tam cá nguyệt thứ hai và khoảng 450 calo trong 3 tháng cuối thai kì. Lượng calo tăng thêm này nên được bổ sung từ sữa, các loại hạt, hoặc thịt nạc. Chính vì thế, các mẹ bầu nên tập trung vào việc ăn uống lành mạnh thay vì chỉ cố gắng ăn nhiều hơn.
2. Siêu âm có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm có thể gây hại cho em bé. Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo phụ nữ mang thai bình thường phải trải qua 3 lần siêu âm trong suốt thai kỳ, cứ mỗi tam cá nguyệt lại siêu âm một lần. Việc kiểm tra chỉ nên được thực hiện thường xuyên hơn khi bác sĩ phát hiện tình trạng của người mẹ hoặc em bé không tốt.
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao nhưng không giống như hình ảnh tia X, không có bức xạ ion hóa. Nhờ việc siêu âm, bác sĩ có thể loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung, xác định các bệnh lý có thể xảy ra cho thai nhi để kịp thời giúp bà bầu và đứa trẻ.
3. Phụ nữ nên sinh con đầu lòng trước khi 30 tuổi
Nếu phụ nữ ngoài 30 tuổi biết chăm sóc tốt cho bản thân, luôn ăn những thực phẩm lành mạnh và chăm chỉ tập thể dục, kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì việc mang thai ở thời điểm này không có gì đáng lo ngại. Các bệnh lý của thai nhi và các vấn đề gặp phải trong thời kỳ mang thai chủ yếu liên quan đến trạng thái cơ thể người mẹ chứ không phải liên quan đến tuổi sinh học.
Các phương pháp chẩn đoán hiện đại ngày nay có thể cho thấy sự sai lệch trong quá trình phát triển ở giai đoạn sớm nhất, do đó, phụ nữ có thể lên kế hoạch mang thai khi họ thực sự sẵn sàng cả về thể chất và tâm lý.
Hầu hết các bác sĩ tin rằng tuổi lý tưởng cho sự ra đời của đứa con đầu lòng là khi một phụ nữ ở độ tuổi 20-30. Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ John Mirwoski đến từ Texas, độ tuổi hoàn hảo cho sự ra đời của một đứa trẻ khỏe mạnh là khi phụ nữ 34 tuổi.
4. Tất cả phụ nữ thèm ăn thức ăn mặn trong thời kỳ mang thai
Phụ nữ mang thai không chỉ thèm những thức ăn mặn mà còn cả đồ ngọt hay chua. Sôcôla là sản phẩm số một trong danh sách thực phẩm được mong muốn nhất. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp thai phụ bị nghén và thèm ăn những thứ vô cùng kì quặc như phấn, tro...
5. Không tập thể dục, đi bộ hay đi bơi trong suốt 9 tháng mang thai
Quan niệm này hoàn toàn không chính xác. Nếu trong suốt 9 tháng mang thai, sản phụ có sự khỏe tốt thì vẫn có thể tập thể dục thường xuyên nhưng ở mức độ nhẹ. Thể thao không chỉ giúp giữ được vóc dáng tốt mà còn có lợi cho sự phát triển của bào thai và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh nở.
6. Quan hệ tình dục trong lúc mang thai có thể gây hại cho em bé
Không ít cặp vợ chồng đã phải kiêng “chuyện ấy” trong suốt thai kì vì nghĩ rằng điều đó có thể gây hại cho đứa trẻ, gây khó chịu cho người mẹ và thậm chí không hợp thuần phong mỹ tục...
Trước vấn đề nhạy cảm này, các chuyên gia khuyên rằng nếu sức khỏe người mẹ hoàn toàn tốt và thai nhi phát triển theo đúng chuẩn thì việc quan hệ tình dục không có gì đáng lo ngại. Hoạt động này có lợi cho sức khoẻ, nó không chỉ giúp củng cố cơ bắp mà còn mang đến những cảm xúc tích cực cho người mẹ. Tuy nhiên, khi quan hệ, bố mẹ nên nhớ chọn tư thế an toàn và mọi động tác cần phải nhẹ nhàng.
7. Thai phụ không nên nhuộm tóc, sơn móng tay hoặc trang điểm
Khi mang thai, các mẹ bầu cần tránh xa các sản phẩm làm đẹp có chứa những thành phần như toluene, formaldehyde, camphor, amoniac, hoặc resorcinol. Chính vì thế, nếu các sản phẩm làm đẹp không chứa các thành phần nguy hiểm kể trên thì mẹ bầu vẫn có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
8. Ăn cá và óc chó có thể giúp trẻ thông minh hơn
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà cá và óc chó mang đến cho cơ thể. Óc chó giàu kali và magiê giúp tăng cường hệ thống mạch máu, tốt cho tim và có lợi trên hệ thần kinh. I-ốt trong cá rất tốt cho tuyến giáp. Do đó, bà bầu nên thêm các thực phẩm này vào chế độ ăn uống của mình.
Cả cá và các loại hạt đều chứa axit béo omega-3, giúp duy trì sức khoẻ của não. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của trí não thai nhi vẫn chưa được công trình nghiên cứu khoa học nào chứng nhận.
9. Kem chống rạn da đem lại hiệu quả tuyệt đối cho bà bầu
Kem chống rạn da thường được xem là một trong những “thần dược” hiệu quả giúp mẹ bầu giải quyết mọi vấn đề về da trong thời gian mang thai. Nhưng điều đáng nói là sản phẩm này không khác gì kem dưỡng ẩm. Tất nhiên, việc sử dụng kem chống rạn da có thể làm cho làn da của mẹ bầu đàn hồi và mịn màng hơn nhưng nó không thể loại bỏ hoàn toàn các vết rạn.
Việc rạn da trong quá trình mang thai phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền cũng như loại da của bạn. Chính vì thế, hãy hỏi bà ngoại, mẹ, dì của bạn và tìm hiểu về tình trạng da của họ sau khi mang thai nhé.
10. Giảm lượng nước uống trong tam cá nguyệt thứ 3
Trước đây, phụ nữ mang thai thường uống ít nước trong 3 tháng cuối thai kỳ để tránh bị sưng, phù. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh rằng hiện tượng sưng phù và ngứa nhiều trong kỳ sinh nở không liên quan đến việc tiêu thụ nước. Ngược lại, uống đủ nước lại có thể giải quyết những vấn đề này.
11. Cuộc sống của bạn sẽ như cũ sau khi đứa trẻ chào đời
Đừng bao giờ tin rằng cuộc sống của bạn sẽ như cũ sau khi đứa trẻ chào đời. Trước đây, khi bạn còn độc thân hay chưa làm mẹ, bạn hoàn toàn có thể làm mọi việc theo ý thích của mình nhưng khi có sự xuất hiện một đứa trẻ, bạn sẽ phải đặt con lên hàng đầu. Khi ấy, cho dù bạn muốn làm gì, đi đâu, bạn cũng cần cân nhắc mọi kế hoạch sao cho phù hợp với con.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.