10 bà bầu nhập viện, 9 người "xin" được đẻ mổ
Chia sẻ bên lề hội nghị sản khoa Việt-Pháp ngày 14-5, PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, cho biết tỉ lệ sản phụ được bác sĩ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sĩ được đẻ mổ.
"Có những gia đình mong muốn được mổ lấy thai vì chọn "ngày đẹp" nhưng cũng có người bị sợ rủi ro do sinh tự nhiên nên xin được mổ cho yên tâm. "Tuy mổ đẻ tránh cho người mẹ những cơn đau khi sinh nở nhưng sau đó lại làm sản phụ đau đớn hơn nhiều so với cách sinh thường. Mổ đẻ còn có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo"- PGS Quyết cảnh báo.
Trong số hơn 21.700 các trường hợp đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2017, có gần 11.200 (chiếm 55%) các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai chủ động. Khoảng 65% nhóm phẫu thuật lấy thai chủ động có tiền sử từng sinh mổ trước đó, nhóm phẫu thuật lấy thai lần đầu chiếm tới 46%, nhóm đa thai tỉ lệ phẫu thuật lấy thai là gần 63%...
Theo PGS-TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, so với các nghiên cứu trước đây, tỉ lệ đẻ mổ đã tăng lên đáng kể so với nghiên cứu năm 1997 là 25,2% và năm 2004 là 40%, năm 2012 là 23%. Tỉ lệ mổ đẻ ở Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới như Mỹ: 32%, Anh: 26%. Trong đó các yếu tố làm tăng tỉ lệ phẫu thuật lấy thai chủ động là do sản phụ từng mổ đẻ, hỗ trợ sinh sản, song thai…
Theo giới chuyên môn, dù tỉ lệ tai biến do phẫu thuật lấy thai có giảm nhờ tiến bộ của khoa học, việc mổ lấy thai làm tăng nguy cơ thai chết lưu khi người mẹ mang thai lần sau. Trong lần mổ lấy thai đầu tiên, tử cung sẽ bị sẹo, không may thai tiếp sau làm tổ đúng vết sẹo sẽ khiến việc tưới máu cho thai không bảo đảm, đồng thời việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng khó khăn hơn so với việc thai làm tổ ở vị trí tử cung lành.
Ngoài ra, nếu trong lần mổ lấy thai trước đó, tử cung bị dính một phần sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu.
Bên cạnh đó, sản phụ cũng chịu nhiều nguy cơ khác như vỡ tử cung trong khi mang thai, chuyển dạ đẻ; tử vong mẹ; các tai biến do gây mê-hồi sức; dính ruột, tắc ruột; tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát; lạc nội mạc tử cung... Trẻ sinh theo đường mổ không an toàn bằng sinh theo cách tự nhiên. Nếu trẻ được sinh tự nhiên thì lồng ngực của trẻ được đè ép, dẫn đến nước ối ứ đọng trong đường hô hấp của trẻ sẽ ra hết. Còn trong sinh mổ, nhiều trẻ bị ứ đọng nước ối trong lồng ngực.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.