Nỗi niềm của mẹ
Chúng tôi đến Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (Thanh Oai, Hà Nội) trong ngày trung tâm tổ chức lễ Vu Lan, ai cũng cảm thấy ấm lòng trước nụ cười, niềm vui của các cụ già tại đây.
Từ sáng sớm, các điều dưỡng đã chuẩn bị những các trò chơi, hoạt động chăm sóc sức khỏe để các cụ cùng tham gia hoạt động chào mừng ngày lễ đặc biệt này. Nghi thức bông hồng cài áo được tổ chức trong không khí vô cùng ấm áp. Mỗi bông hồng được cài lên áo như thay lời muốn nói, bày tỏ sự biết ơn công lao với cha mẹ. Có cả những giọt nước mắt xúc động, những nụ cười hạnh phúc đều hiện diện trên khuôn mặt của các cụ.
Không chồng, con trai cả ra đi, nỗi đau của kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh vẫn đau đáu khôn nguôi trong đôi mắt của người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi. Nghẹn ngào, xúc động bà chẳng thể nhớ nổi tên mình, đôi mắt đã ướt đẫm lệ. Trò chuyện một lúc, chúng tôi mới biết bà là Vũ Thị Dung (sinh năm 1959, Hải Phòng).
"Bà nhớ con trai bà lắm. Căn bệnh ung thư đã cướp mất Tiến khỏi bà. Bao tâm huyết dành cả cho con, ngày Tiến mất bà coi mất tất cả, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày yếu đi nên quyết định vào đây để vơi đi nỗi nhớ, bầu bạn tuổi già.
Các cô chú ở trung tâm rất ân cần chăm sóc bà. Bà coi các cô chú ở đây như con của mình. Những hoạt động như thế này an ủi bà rất nhiều. Bà biết mình phải sống mạnh khỏe, yêu đời thì con trai bà mới yên lòng", bà Dung tâm sự.
Cùng tham gia lễ Vu Lan tại trung tâm dưỡng lão, bà Trương Thị Hân (sinh năm 1954, Hà Nội) rất tích cực với các hoạt động. Bà Hân hào hứng chia sẻ: "U ở trung tâm Diên Hồng được 1 năm rồi. U có bệnh lý về huyết áp thôi nên mọi sinh hoạt tắm rửa, ăn uống u tự làm được hết. Khi nào cần mới nhờ tới các cô điều dưỡng thôi. Nay u vui lắm, con trai, con gái vào thăm. Hôm nay không khí vui vẻ hơn và có nhiều hoạt động hơn ngày thường. Nay u được nghe giao lưu văn nghệ rất hay, được tổ chức sinh nhật nữa. Cảm ơn trung tâm đã tổ chức buổi lễ Vu Lan vô cùng ấm áp này cho các cụ."
Mái ấm hạnh phúc
Với các cụ, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng như ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà chưa bao giờ hết tình yêu thương. Ngoài lịch trình cố định ăn uống, ngủ nghỉ, xem tivi, các cụ được tham gia vào những hoạt động tập thể cho nhân viên tổ chức. Các hoạt động như vẽ tranh, thể dục thể thao nhẹ nhàng giúp cho tinh thần, cơ thể của các cụ sảng khoái, linh hoạt hơn. Sống cùng nhau, ăn cùng nhau, vui cùng nhau, cuộc sống tuổi già của các cụ ở Diên Hồng an nhàn, ấm áp hơn nhiều.
Chúng tôi được điều dưỡng dẫn đến tầng 6, ở đó có một căn phòng đặc biệt đó là căn phòng hạnh phúc. Bởi đó là căn phòng của hai vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (sinh năm 1930) và bà Vũ Thị Dành (sinh năm 1938) quê Hải Dương. Hai ông bà đều là cán bộ về hưu.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Dành giới thiệu vườn rau xanh mướt đủ loại ngoài ban công của bà. Bà Tâm sự: "Ông bà có dự định vào viện dưỡng lão từ khi vẫn còn đang công tác. Ông bà có 4 người con nhưng đến cái tuổi gần đất xa trời, ông bà chẳng muốn phiền đến con cái. Ông bà có mảnh đất ở quê bán đi và dùng số tiền đó an dưỡng tuổi già ở Diên Hồng. Đến nay cũng gắn bó được 4 năm rồi.
Ở đây cũng vui lắm. Nhiều người cùng tuổi, nhiều hoạt động vui chơi bổ ích. Các cô điều dưỡng chăm sóc rất ân cần. Ông bà cần gì là các cháu ấy hỗ trợ nhiệt tình lắm. Vào đây ông bà sống vui, sức khỏe ổn định hơn hẳn. Con cháu cũng yên tâm làm việc. Khi nào nhớ con nhớ cháu thì ông bà gọi điện."
Dường như hạnh phúc của ông Bưởi và bà Dành là an hưởng cuộc sống tuổi già bên nhau, chăm sóc nhau khi ốm đau, bệnh tật. Nhìn cách bà chăm sóc ông, ai cũng thấy được nghĩa tình vợ chồng bà thật sâu nặng. Hạnh phúc của ông bà chẳng phải thứ gì cao sang mà là giây phút yên bình, an dưỡng tuổi già bên nhau.
Ở viện cũng vui như ở nhà, niềm vui ấy luôn hiện hữu trên khuôn mặt của ông Phạm Văn Vương (sinh năm 1959, Ninh Bình). Dù bị liệt hai chân do vận động thể thao nhưng ông vẫn rất lạc quan, yêu đời. Ông say mê ca hát, thường xuyên giao lưu văn nghệ ở trung tâm.
Mặc dù bị liệt 2 chân nhưng ông Vương rất lạc quan, yêu đời, đam mê ca hát
Với ông Vương, nỗi nhớ gia đình, quê hương luôn thường trực trong lòng. Mỗi khi nhắc tới Ninh Bình, hai mắt ông lại rưng rưng, ông xúc động nói: "Giá mà đôi chân có thể đi lại được thì cũng chẳng phải xa quê thế này. Ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về thăm quê. Những hình ảnh thân thương ở thôn quê vẫn in sâu trong tâm trí tôi, luôn là động lực để tôi sống khỏe mạnh để mong một ngày được về thăm lại quê xưa.
Nhớ con, nhớ cháu là thế nhưng tôi hiểu tâm tư nguyện vọng của các con. Chúng quan tâm, lo lắng tôi cô đơn, không có người bầu bạn nên mới động viên tôi vào đây. Vào đây tôi có sự chăm sóc tận tình, chu đáo từ các anh chị điều dưỡng. Tôi có sống vui, sống khỏe thì các con mới yên tâm làm việc, vun vén gia đình."
Mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh nhưng lại gặp nhau tại mái ấm yêu thương Diên Hồng. Ngôi nhà thứ hai đầy tình yêu thương và tiếng cười. Ở Diên Hồng mang tới cho họ niềm vui sống, sự yêu thương và sẻ chia.
Ông Đào Quang Đức, Phó Giám đốc viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 chia sẻ: "Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 là mái nhà an dưỡng tuổi già của 120 cụ. Các cụ vào đây đều với tinh thần tự nguyện. Mới vào trung tâm các cụ đều có tâm lý chung là nhớ nhà, nhớ con cháu nhưng khi hòa mình với hoạt động tập thể các cụ dần quen và sống vui, khỏe hơn mỗi ngày. Chúng tôi chăm sóc các cụ đều bằng cái tâm, coi các cụ như cha mẹ mình. Chăm sóc bữa ăn, giấc, trò chuyện, tắm rửa, vui chơi với các cụ luôn là những hoạt động chúng tôi chú trọng hơn hết."
Kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi rời trung tâm vào ban trưa khi các cụ đã nghỉ trưa. Ngắm nhìn các cụ qua những khung cửa sổ, tôi thấu hiểu hơn những tâm tư, nguyện vọng của con người khi về già. Khi đã ở "cái dốc bên kia của cuộc đời", con người ta chỉ cần tình yêu thương, sự chăm sóc của con cháu, có người bầu bạn khi rảnh rỗi. Những giá trị tinh thần được đặt lên trên hết đó là tình yêu thương, sự biết ơn, báo hiếu của con cháu đối với những đấng sinh thành./.