Thói quen ăn cơm chan canh rất phổ biến trong bữa cơm người Việt, nhất là trong những ngày hè nóng nực hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là thói quen xấu.
BS Doãn Thị Tường Vy, nguyên Trưởng Khoa dinh dưỡng (BV 198) cho biết, thói quen của rất nhiều người là ăn cơm với canh nghĩa là vừa ăn vừa uống. Điều này sẽ tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Thức ăn vào dạ dày sẽ trải qua các giai đoạn ngâm mềm, nghiền nát, tiêu hóa.
Khi nhai thức ăn, nước bọt không ngừng được tiết ra để làm ẩm thức ăn giúp việc nhai thức ăn diễn ra nhanh hơn. Enzyme trong nước bọt cũng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn được tốt hơn. Việc ăn cơm chan canh, thức ăn được nuốt nhanh hơn sẽ không được hấp thụ nước bọt đã tiêu hóa xuống dạ dày từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Thức ăn vào dạ dày vẫn còn ở dạng cứng và chưa được nghiền nhỏ làm kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày, dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dễ đau hơn. Ngoài ra, thói quen này còn khiến người ta lười nhai, nuốt nhanh hơn.
Ăn cơm và cánh thế nào là hợp lý
Đối với người cao tuổi gặp khó khăn trong việc nhai và nuốt, nên uống vài ngụm canh trước khi ăn để đồ ăn khô và cứng không gây kích ứng đường tiêu hóa. Nên nấu cơm mềm hoặc ăn các món dưới dạng cháo, súp và hình thành thói quen nhai chậm, nhai kỹ.
Những người có tiền sử đau dạ dày càng không nên chan canh vào cơm khi ăn vì sẽ khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc nặng, khiến bệnh tiến triển xấu hơn.
Với trẻ em, nhất là trẻ đang trong giai đoạn tập ăn, nhiều phụ huynh cho con ăn cơm chan canh cho nhanh, khiến trẻ hấp thu được ít chất dinh dưỡng do cơm chan canh tạo cảm giác no ảo. Lâu ngày, trẻ còn hình thành thói quen lười nhai, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ hàm và khuôn mặt.
Thay đổi những thói quen xấu khi ăn cơm để tránh gây hại cho sức khỏe
Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau
Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ, trẻ thường thích ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm và các bậc phụ huynh cũng đồng ý với điều đó để con ăn được nhiều thế nhưng cách ăn này lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe lâu dài của bé.
Trẻ ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm dễ dẫn đến tình trạng chán cơm, thiếu tinh bột gây suy dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn đó là khi ăn thức ăn trước chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh gout về lâu dài.
Ăn cơm nguội
Thói quen tận dụng cơm nguội của nhiều bà nội trợ, đặc biệt tại các quán cơm rang dễ gây bệnh bởi ăn phải cơm nguội để lâu quá nhiều ngày sẽ rất dễ đưa bệnh vào người.
Ăn cơm quá no
Khi ăn uống, nhiều người vẫn có thói quen đã ăn thì phải ăn no. Song nếu bạn ăn no quá vào bữa sáng, trưa, tối thì sẽ làm cho dạ dày căng quá mức, nhu động co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ.