Chiều 5/7, Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) do xét thấy không cần thiết phải tạm giam đối với bị can này.
BS Hoàng Công Lương là 1 trong 3 người bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến “sự cố chạy thận” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5 khiến 8 bệnh nhân tử vong.
Sự việc này đã gây hoang mang trong giới chuyên môn khi BS Lương không phải là đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, không nhất thiết phải tạm giam.
Không chỉ cơ quan chuyên môn, các chuyên gia mà chính người nhà các nạn nhân trong vụ việc cũng viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại.
Chiều tối 5/7, sau 13 ngày tạm giam, BS Lương đã được trở về nhà. Vừa bước vào nhà, anh cất tiếng chào mẹ trong nước mắt. Kế đó, bà đưa con gái út 7 tháng cho BS Lương bế nhưng bé chưa nhận ra bố, khóc ngặt, không theo khiến mọi người đều rơm rớm nước mắt.
Trong căn nhà nhỏ, ngoài sự có mặt của luật sư, không có thêm hàng xóm hay người thân thích khác vì gia đình BS Lương mong mọi thứ không bị xáo trộn.
Khi ngồi lại cùng mọi người, được nghe kể mọi chuyện bên ngoài trại giam suốt 13 ngày qua, BS Lương muốn gửi lời cảm ơn đến tập thể cơ quan, các thầy cô, đồng nghiệp và người dân đã có tiếng nói để bảo vệ cho mình.
BS Lương chia sẻ, anh rất xúc động, không thể hình dung được mọi người lại ủng hộ mình nhiều như thế.
Anh và gia đình cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm việc công tâm, nhanh chóng thay đổi biện pháp ngăn chặn, vì chính bản thân BS Lương cũng không thể ngờ mình được tại ngoại sớm như thế.
Trước mắt, BS Lương sẽ đi khám sức khoẻ, tập trung hồi phục, hoà nhập cuộc sống để tiếp tục phục vụ giai đoạn điều tra.
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ: Thông tin BS Lương được tại ngoại là một tin vui đối với ngành y tế, đáp ứng được lòng mong mỏi của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và toàn ngành y tế. Việc BS Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn, chuyển từ tạm giam sang tại ngoại để tiếp tục phục vụ cho công tác điều tra là quyết định mang tính nhân văn rất cao và đã giúp cho thầy thuốc, nhân viên y tế an tâm hơn đối với công việc, với nhiệm vụ của mình, cảm thấy pháp luật công tâm, được pháp luật bảo vệ.