1. Cây vạn niên thanh
Cây vạn niên thanh được coi là loại cây cát tường nên nhiều gia đình ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Cây sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, vào mùa đông lá không héo úa. Ngoài ra, loại cây này thường được trồng với mục đích thanh lọc không khí, khử bớt các khí độc do môi trường hoặc do sử dụng điều hòa lâu ngày sinh ra. Đặc biệt, cây vạn niên thanh còn có ý nghĩa sung túc, tốt đẹp.
Tuy nhiên, bạn có biết trong tất cả các bộ phận của cây vạn niên thanh đều chứa 2 độc tố nguy hiểm là Andromedotoxin và Arbutin glucosit. Nếu ăn phải không chỉ gây bỏng rát mà còn có thể khiến lưỡi và toàn thân tê liệt, thậm chí dẫn đến khó nói chuyện. Không chỉ vậy, khi bạn ăn phải lượng lớn có thể làm lưỡi đổi màu tím vì ngộ độc, cứng lại và không thể nói được nữa. Cuối cùng, chất độc này gây co giật, rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong.
2. Cây trúc đào
Cây trúc đào có đặc tính chịu được khô hạn, dễ chăm sóc, hoa có nhiều màu sắc đẹp để lựa chọn như trắng, hồng nhạt, hồng đậm, đỏ cam,… Đặc biệt, còn có mùi thơm nhẹ nên các gia đình cũng rất ưa chuộng để trồng trong nhà, trong công viên, vườn hoa hoặc dọc trên đường phố.
Tuy nhiên, toàn bộ cây đều chứa chất nhựa màu kem có các glucosid độc, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn. Các chất độc này khi đi vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng nôn mửa, hôn mê, lên cơn đau tim, thậm chí tử vong. Ngoài ra, nhựa cây trúc đào gây rát, bỏng da, viêm dị ứng, nếu lỡ dính vào mắt còn gây rát nghiêm trọng.
3. Cây trạng nguyên
Trong phong thủy, cây trạng nguyên được xem là biểu tượng của sự thành công, đỗ đạt và may mắn nên thường được đặt trong văn phòng, quầy lễ tân, quầy thu ngân hay để trước cửa nhà.
Theo một nghiên cứu của trường đại học Y khoa Georgia (MCG), các nhà khoa học đã phát hiện ra khoảng 40% người bị dị ứng với mủ cao su thì cũng dị ứng với hoa trạng nguyên. Các loại phản ứng trực tiếp xảy ra khi bị dị ứng bao gồm chứng phát ban, thở khò khè, ngứa, chảy nước mũi, khó thở và hạ huyết áp.
4. Cây kim tiền
Cây kim tiền được xem là cây phong thủy vì nó mang ý nghĩa cầu mong may mắn, tài lộc, vì vậy mà thường được các gia đình chuộng trồng. Tuy nhiên, trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Trong trường hợp nặng sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.
5. Cây trầu bà
Cây trầu bà thường trồng phổ biến nhất trong các gia đình vì nó có tác dụng hút độc, khử khuẩn trong không khí rất tốt. Hơn nữa cây đẹp, dễ trồng, không tốn công và thời gian chăm sóc, mang đến nhiều năng lượng phong thủy tích cực cho căn nhà. Không chỉ vậy, cây trầu bà còn là một vị thuốc giúp hỗ trợ chữa bệnh thận. Bài thuốc này được sử dụng khá nhiều trong y học cổ truyền bởi tính an toàn, hiệu quả mà cây đem lại.
Tuy nhiên, các bạn nên lưu ý trong thân, lá cây có chứa calcium oxalate. Khi nhai phải lá, bạn có thể bị bỏng rát niêm mạc lưỡi, cổ họng và ruột.
6. Cây môn kiểng
Cây môn kiểng thích hợp trồng trong bóng râm vì thế có thể làm cây trang trí nội thất hay trồng chậu cây để bàn làm việc, phòng khách, hành lang, cửa sổ,… Lá cây có thể giữ được vài ngày nếu bạn muốn cắm trong bình.
Tuy nhiên khi trồng cây môn kiểng nên cẩn trọng vì giống cây này cũng chứa chất độc Calcium Oxalate ở tất cả các bộ phận, dễ gây ngộ độc cho trẻ em và vật nuôi khi ăn phải, bỏng rát khi da tiếp xúc trực tiếp.
7. Cây xương rồng Bát Tiên
Cây xương rồng Bát Tiên hay còn gọi là hoa Bát Tiên, hoa Mão Gai, là loại cây phổ biến, thường được trồng làm cảnh vì đa dạng về giống loài, thân cũng đa dạng màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím,…). Tuy nhiên, trong nhựa của xương rồng Bát Tiên chứa chất độc có thể làm bỏng rát, đau đớn nếu không may bị gai đâm phải.
Trên đây là 7 loại cây được ưa chuộng và trồng làm kiểng tại các gia đình. Tuy nhiên, trong các thành phần của cây có chất độc nên các bạn hãy lưu ý để phòng tránh nhé, nhất là nhà có trẻ nhỏ!