Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh chiều 4/9, ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, nguyên tắc của Thành phố trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Thành phố đã từng đặt ra câu hỏi “có nên dời thời điểm bắt đầu năm học mới hay không? Làm sao khắc phục khi khoảng 4% số học sinh không có trang thiết bị để học trực tuyến?”
Ông Phạm Đức Hải khẳng định TPHCM sẽ không dời lịch khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, ông cho rằng: “Trong thời chiến tranh, bom đạn như thế, chúng ta vẫn đi học và học rất giỏi. Trong lao tù, bao nhiêu người bị giam cầm vẫn học và học rất giỏi. Lịch sử chứng minh không có thách thức nào có thể vượt hơn tinh thần hiếu học; không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức”.
Từ thực tế trên ông khẳng định: “Phải biến nguy thành cơ, chúng ta không dời ngày khai giảng. Trong năm học 2021 – 2022, thành phố quyết tâm không để một trẻ em nào, đặc biệt là trẻ ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn bị mất hoàn toàn cơ hội vì đại dịch, không thể để nền giáo dục Việt Nam vì dịch bệnh mà không hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Để chuẩn bị cho năm học mới trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM cho biết, toàn thành phố sẽ không tổ chức tựu trường, không tổ chức khai giảng. Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9.
Trong đó, thầy cô và học sinh có từ 10 ngày đến 2 tuần để làm quen với môi trường học tập trực tuyến. Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Đài truyền hình Thành phố ghi hình các tiết dạy học cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 được 10 tuần.
Nhiều trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung hoặc nơi xét nghiệm, tiêm vắc-xin COVID-19. Ảnh: Duy Phạm
Sở GD&ĐT Thành phố đã thống kê được khoảng 75.000 học sinh ở các cấp học, bậc học (chiếm khoảng 4% tổng số học sinh của thành phố) không có điều kiện để học trực tuyến do thiếu các trang thiết bị. Cụ thể có 31.000 học sinh ở bậc tiểu học; 22.000 học sinh ở bậc trung học cơ sở, 15.000 học sinh trung học phổ thông còn lại là các lĩnh vực đào tạo khác đang cần được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.
Để giải quyết khó khăn này, Sở GD&ĐT cho biết đã đưa các dữ liệu học trực tuyến, các video ghi hình bài giảng lên các trang web của các phòng giáo dục quận huyện. Sở làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử để có những hỗ trợ như bán giảm giá, trả góp không lãi suất; tặng các gói dữ liệu 3G cho những hoàn cảnh khó khăn.
TPHCM đang nhờ 2 đơn vị vận chuyển là VNPT và Viettel Post để đưa sách giáo khoa đến từng trường; cho phép mỗi trường có 5 giáo viên được lưu thông để đưa sách giáo khoa đến nhà học sinh. Sở GD&ĐT sẽ kéo dài thêm 2 tuần của năm học 2021-2022 để giáo viên có thời gian kèm cặp những trường hợp học sinh học tập không hiệu quả do học trực tuyến.
Thành phố chỉ đạo việc triển khai dạy và học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng; thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.
Thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho thấy, toàn thành phố hiện có 6.600 học sinh đang là F0 hầu hết đều không có triệu chứng. Một số học sinh có cả cha lẫn mẹ là F0 hoặc cả cha lẫn mẹ đều mất vì dịch COVID-19. Thầy cô giáo nhà trường đang chủ động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ để giảm bớt đau thương cho các em học sinh.