Thực tế hầu hết nam giới gặp phải tình trạng 'cậu nhỏ' có mùi hôi do lười vệ sinh hoặc chưa vệ sinh đúng cách, khiến bụi bẩn, dịch thừa, nước tiểu… tích tụ gây nên mùi hôi khó chịu.
1. Bựa sinh dục khiến dương vật có mùi hôi
Theo BS. Lê Vũ Tân (Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân), một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dương vật có mùi hôi là do bựa sinh dục.
Bựa sinh dục hình thành từ các tế bào da chết, độ ẩm, dầu thừa, dịch thừa… tích tụ lại mà không được vệ sinh trong thời gian dài. Quá nhiều bựa sinh dục sẽ làm xuất hiện những mảng bựa trắng bám chặt ở vùng da dương vật và xung quanh.
Những bựa trắng sinh dục này là nguyên nhân làm cho dương vật có mùi hôi và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Để hạn chế mùi hôi ở dương vật, cần thường xuyên vệ sinh, làm sạch phần bựa sinh dục này. Cách vệ sinh rất đơn giản:
- Kéo bao quy đầu lên.
- Dùng nước và xà phòng rửa sạch dương vật, tập trung vào vùng có nhiều bựa.
- Dùng khăn hoặc giấy làm khô dương vật, lưu ý không nên chà xát quá mạnh dễ gây tổn thương.
- Kéo bao quy đầu về vị trí cũ.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn vệ sinh và rửa sạch dương vật sau khi đi tiểu, sau khi quan hệ tình dục, có hoặc không có bao cao su.
2. Mùi hôi dương vật do viêm bao quy đầu
Viêm bao quy đầu là tình trạng đầu dương vật bị viêm do nhiễm trùng hoặc một lý do nào khác. Khi thấy đầu dương vật sưng, tấy đỏ, đau nhức thì hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây viêm bao quy đầu là do không vệ sinh cơ thể và dương vật sạch sẽ. Hoặc dương vật bị nhiễm trùng, bị mắc bệnh vẩy nến hay phản ứng dị ứng với bất kỳ hóa chất, xà phòng hoặc bao cao su nào được sử dụng cũng gây ra tình trạng này.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu gây mùi hôi dương vật
BS. Lê Vũ Tân cho biết, tương tự như nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng đường tiết niệu ít gặp ở nam giới hơn so với phụ nữ nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus, trong đó vi khuẩn là phổ biến nhất xâm nhập vào đường tiết niệu.
Các dấu hiệu có thể nhận biết khi một người đàn ông bị nhiễm trùng tiểu:
- Dương vật có mùi hôi
- Nước tiểu có màu hồng hoặc đục
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Thường xuyên buồn đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không bao giờ được bỏ qua và phải được điều trị ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Chậm trễ trong việc điều trị có thể lây nhiễm trùng sang thận, gây biến chứng. Cần điều trị nhiễm trùng đường tiểu mới có thể cải thiện được mùi hôi dương vật, hơn nữa hạn chế được biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhiễm trùng đường tiết niệu hiện nay chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên đơn thuốc sẽ được bác sĩ kê dựa trên kết quả chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng. Vì thế, khi có biểu hiện viêm đường tiết niệu, nam giới không nên tự điều trị do tâm lý e ngại, xấu hổ mà nên khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng đường tiểu diễn biến nghiêm trọng hơn.
4. Dương vật có mùi hôi do nhiễm nấm
Nhiễm trùng nấm âm đạo rất phổ biến ở phụ nữ. Tương tự, nhiễm trùng nấm men cũng có thể ảnh hưởng đến dương vật của nam giới, mặc dù không thường xuyên như phụ nữ phải đối mặt với vấn đề này. Nhiễm trùng nấm men được cho là xảy ra khi nấm Candida tích tụ trên dương vật. Ngoài mùi hôi, nam giới có thể nhận thấy cảm giác nóng hoặc ngứa trên dương vật, chất trắng nhìn giống như pho mát trên dương vật, độ ẩm bất thường trên dương vật…
Nhiễm nấm sinh dục có thể do nam giới vệ sinh dương vật chưa đúng cách, không cắt bao quy đầu hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh. Để cải thiện mùi hôi dương vật do nhiễm nấm, cần điều trị nhiễm nấm đồng thời vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng phù hợp điều trị bệnh nhiễm nấm vùng kín này.
5. Dương vật có mùi hôi do lậu
Lậu là loài vi khuẩn gây bệnh ở âm đạo, hậu môn hoặc miệng là những nơi có độ ẩm cao. Bệnh lậu cũng là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm, gây ra các triệu chứng như: đau nhức, ngứa, chảy máu bộ phận sinh dục hoặc vị trí nhiễm bệnh, đi tiểu có cảm giác nóng rát, tiết dịch vàng, trắng hoặc xanh từ dương vật…
Nếu bị lậu, vệ sinh thông thường sẽ không thể loại bỏ mùi hôi dương vật. Lúc này người bệnh cần điều trị và kiểm soát bệnh triệt để. Bệnh nhân ngay khi có triệu chứng nên sớm đi thăm khám bác sĩ để chẩn đoán và lựa chọn thuốc điều trị thích hợp.
Khi nhiễm lậu được kiểm soát tốt, chắc chắn mùi hôi dương vật cũng cùng biến mất. Tuy nhiên tái khám định kỳ và kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên là cần thiết cho bệnh nhân từng mắc lậu.
6. Dương vật có mùi hôi do viêm niệu đạo không do lậu cầu
Niệu đạo hoạt động như một lối đi cho nước tiểu và ở nam giới dẫn tinh dịch thoát ra bên ngoài cơ thể. Khi một người bị nhiễm Chlamydia, một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến, niệu đạo có thể bị viêm.
Ở một số nam giới, niệu đạo bị viêm ngay cả khi không bị nhiễm trùng. Tình trạng này được gọi là viêm niệu đạo không do lậu cầu. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định. Khi bị viêm niệu đạo không do lậu cầu, nam giới thường có những biểu hiện sau:
- Dương vật tiết dịch màu trắng, đôi khi có thể có màu đục.
- Đau và nóng rát khi đi tiểu
- Thường xuyên đi tiểu
- Cảm giác kích thích hoặc đau nhức ở đầu dương vật.
- Dương vật có mùi hôi
7. Giữ vệ sinh cá nhân ngăn mùi hôi dương vật
Để phòng ngừa, hạn chế mùi hôi dương vật cũng như các bệnh lý khác, khi đi tiểu cần kéo bao quy đầu. Việc làm này giúp nước tiểu không bị ứ đọng gây kích ứng và xuất hiện bựa sinh dục.
Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ cũng như vùng kín. Lưu ý vệ sinh cả vùng dưới bao quy đầu bởi đây là nơi dễ tích tụ bụi bẩn.
Không chà xát mạnh lên dương vật khi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục, đồng thời lựa chọn đồ lót và quần thoải mái, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
Quan hệ tình dục an toàn: Là biện pháp phòng ngừa bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hiệu quả.
Tỉa lông gọn gàng vùng kín: Mặc dù lông có nhiệm vụ bảo vệ song nếu lông vùng kín dài, chúng sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây ra mùi hôi.
Nếu nguyên nhân do bệnh lý, nam giới cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.