Bệnh ung thư đường tiêu hóa ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Những bệnh ung thư đường tiêu hóa đều gây tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, bạn cần làm những việc dưới đây:
Tăng chất xơ, giảm chất béo xấu
Rau xanh, trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào và lành mạnh cho cơ thể. Đặc biệt, chất xơ rất quan trọng đối với đường tiêu hóa. Không chỉ giúp đường ruột khỏe mạnh, hạn chế tình trạng táo bón, đi ngoài, rối loạn tiêu hóa, chúng còn giúp cơ thể phòng ngừa nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Chất xơ được chia thành 3 loại: Chất cơ hòa tan, chất xơ không hòa tan và prebiotic. Mỗi loại sẽ mang một chức năng khác nhau nhưng không thể "vắng mặt" ở đường ruột:
Chất xơ hòa tan (FOS): Một chất có khả năng làm tăng nhu động ruột, hấp thụ nước và làm mềm phân, giúp chúng di chuyển trong ruột dễ dàng. Từ đó, chúng làm giảm tình trạng táo bón, ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Chất xơ hòa tan được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như yến mạch, bông cải xanh, các loại đậu và hạt... Hiện nay, chất xơ hòa tan cũng được bổ sung khá nhiều ở trong các loại sữa bột dành cho trẻ em và người trưởng thành.
Chất xơ không hòa tan: Chất xơ không hòa tan mang nhiệm vụ đặc biệt đó là làm sạch ruột. Chúng sẽ "quét" sạch mọi chất thải, cặn bã trong đường ruột. Loại chất xơ này được tìm thấy nhiều trong các loại rau cải, ngũ cốc, cám lúa mỳ...
Prebiotic: Prebiotic mang nhiệm vụ nuôi các vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) để bảo vệ đường ruột luôn khỏe. Prebiotic được tìm thấy nhiều ở các loại rau xanh, trái cây và ngũ cốc.
Song song với việc tăng cường chất xơ, bạn cũng cần loại bỏ những chất béo xấu gây ảnh hưởng tới cơ thể. Mỡ động vật, bơ kem, đồ chiên rán... là những chất béo xấu cần hạn chế tới mức thấp nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế việc sử dụng các thực phẩm đóng hộp, đồ nướng than, thực phẩm nhiều chất phụ gia. Chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, cholesterol, ảnh hưởng tới tim mạch.
Bổ sung chất béo tốt (omega 3, omega 6) từ các loại cá hoặc dầu thực vật chính là điều các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ khuyên dùng.
Uống nhiều nước, bổ sung chất dinh dưỡng cho đường ruột
70% cơ thể chúng ta là nước nên chúng rất quan trọng với cơ thể. Đối với đường ruột (hệ tiêu hóa), nước đóng vai trò ngăn ngừa táo bón, giúp các hoạt động tiêu hóa hay đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể tốt hơn.
Mỗi ngày, cơ thể người bình thường cần được bổ sung 1,5-2 lít nước. Khi thời tiết nắng nóng hoặc chơi thể thao, làm việc ngoài trời, bị mất nước, bạn nhiều cần bổ sung lượng nước lớn hơn.
Không chỉ nước lọc, mọi người có thể bổ sung các loại nước điện giải, trà thảo mộc, trà trái cây không có chứa caffeine. Bạn cũng có thể tăng cường lượng nước và vitamin từ các loại quả mọng, giúp đẹp da, đẹp dáng và ngăn ngừa nguy cơ ung thư đường ruột.
Để hệ tiêu hóa được bảo vệ tốt và khỏe mạnh mỗi ngày, bạn đừng quên tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng như probiotic, kẽm, glutamine. Những chất này có khả năng làm giảm tình trạng đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy, viêm đại tràng hay rối loạn tiêu hóa. Bạn có thể bổ sung các chất thông qua thức ăn:
- Bổ sung probiotic từ lên men như sữa chua, kim chi, dưa muối...
- Bổ sung glutamine từ gà tây, trứng, các loại đậu hoặc viên uống.
- Bổ sung kẽm từ hải sản, thịt bò, hạt hướng dương hay viên kẽm uống.
Tập trung khi ăn, nhai chậm và kỹ
Khi ăn, bạn nên tập trung duy nhất vào việc ăn uống, tránh sao nhãng; ăn từ từ từng miếng vừa phải; nhai thật chậm và kỹ để khoang miệng tiết ra các enzym có lợi cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Việc nhai chậm cũng làm tăng khả năng hấp thu dưỡng chất từ thức ăn, ngăn ngừa tình trạng ợ hơi, khó tiêu, đau dạ dày, giảm căng thẳng hiệu quả.
Loại bỏ các thói quen xấu
Các thói quen xấu làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa thường được nhắc đến bao gồm: Uống rượu, hút thuốc lá và các chất kích thích, ăn khuya.
Uống rượu sẽ gây tăng axit trong dạ dày, gây ra ợ nóng, ợ chua, trào ngược hoặc viêm loét dạ dày. Uống quá nhiều rượu và dùng khi đói còn làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa, viêm, ruột, loét dạ dày, ung thư dạ dày.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ trào ngược axit trong đường tiêu hóa gấp 2 lần; gây tình trạng loét dạ dày, đại tràng và khiến tình trạng ung thư đường tiêu hóa ngày càng nặng hơn. Từ bỏ thuốc lá cũng giúp bạn ngừa được nguy cơ mắc ung thư đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi.
Thói quen ăn khuya gây hại tới đường tiêu hóa rất nhiều. Cơ thể chúng ta mất khoảng 3-4 giờ để tiêu hóa hết thức ăn. Nếu bạn ăn quá khuya, đường tiêu hóa hoạt động liên tục không được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, việc ăn xong đi nằm luôn cũng làm tăng tình trạng đầy bụng, ợ hơi ở mọi người. Thường xuyên ăn đêm cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì.
Tăng cường tập thể dục
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, giảm cân, các cơ quan hoạt động tốt, đặc biệt có thể góp phần loại bỏ nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Sau bữa ăn, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Mỗi ngày, bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút đi bộ sẽ làm giảm tình trạng táo bón, ngăn ngừa tình trạng viêm ruột.