Viêm tai giữa là một căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh không những làm cho bé đau đớn, quấy khóc, mất ngủ mà còn ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Vì vậy việc phát hiện và chăm sóc, điều trị khi trẻ bị viêm tai giữa là điều mà mọi ông bố, bà mẹ nên biết.
1. Viêm tai giữa là gì?
Theo một nghiên cứu, có đến 75% trẻ sơ sinh bị mắc bệnh viêm tai giữa. Viêm tai giữa là bệnh xảy ra trong tai của bé. Bộ phận vòi nhĩ của tai giúp kết nối vùng tai giữa và phần sau của mũi, họng, ngoài ra nó cũng giúp cân bằng áp lực cho tai.
Khi ở mũi và họng tiết nhiều dịch nhầy do trẻ bị ho, đờm, thì các vi khuẩn sẽ có cơ hội ẩn trú và phát triển mạnh mẽ tại đây. Lúc này vi khuẩn sẽ di chuyển và bám vào quanh vòi nhĩ khiến cho các chất nhầy, lỏng có thể bị kẹt lại bất cứ vị trí nào ở khoang tai, đặc biệt là vùng tai giữa khiến cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa
Vì sao trẻ bị viêm tai giữa? Có một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ mà bố mẹ cần phải để ý mới có thể nhận biết như:
- Trẻ thường xuyên bị cảm cúm, cảm lạnh, chảy nước mũi nhiều, cổ có nhiều đờm, ho
- Thay đổi đột ngột độ cao
- Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm
- Nằm xuống sàn khi ăn và uống
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Trẻ đã từng mắc bệnh viêm tai giữa và khả năng tái phát
- Nhiễm bệnh từ nhà trẻ, đi học
3. Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa đầu tiên dễ nhận biết nhất đó là đau tai. Vì trẻ sơ sinh chưa biết nói nên bố mẹ cần phải để ý đến ngôn ngữ cơ thể để biết được tình trạng sức khỏe của con.
Đối với trẻ sơ sinh khi bị viêm tai giữa thường bị sốt, tuy nhiên cha mẹ thường nhầm lẫn với một số cơn sốt do các bệnh lý khác, chỉ khi thấy con có kèm theo một số triệu chứng khác như viêm đường hô hấp nặng, dịch mũi chảy nhiều và dai dẳng khi bé bị cảm cúm.
Nguy cơ viêm tai giữa cao khi thấy trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, giai đoạn này trẻ chưa mắc bệnh. Vài ngày sau dịch mũi chuyển sang màu xanh hoặc vàng, bé trở nên cáu kỉnh, quấy khóc nhiều hơn.
Bé thường bị mất ngủ, thức giấc về đêm, đau tai khiến bé khóc thét, đặc biệt khi trời lạnh, mẹ nên nghi ngờ bé bị viêm tai giữa. Mẹ cũng nên để ý tư thế nằm ngủ của bé. Khi bị viêm tai giữa, bé thường nằm không yên, trở mình liên tục, trẻ lăn qua lăn lại để tìm tư thế nào đỡ đau. Bình thường bé sẽ không thích nằm ngửa vì dịch trong tai đổ về phía màng nhĩ, khiến bé khó chịu.
Ngoài ra, mắt đổ nhiều ghèn cũng là một dấu hiệu bị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ bị cảm lạnh cộng thêm dấu hiệu mắt đổ ghèn thì mẹ nên suy đoán con bị viêm tai giữa.
Một số dấu hiệu nữa khi trẻ bị viêm tai giữa đó là: Sốt cao, trẻ hay dùng tay kéo vành tai hoặc ôm đầu, chán ăn, tiêu chảy hoặc nôn ói, tai chảy dịch hoặc mủ ra ngoài, phản ứng chậm với âm thanh.
4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp tính thường được chia thành 3 giai đoạn: Đầu tiên là xung huyết, tiếp theo là ứ mủ và cuối cùng là nhiễm trùng. Tùy từng giai đoạn mà cha mẹ nên có cách chăm sóc trẻ khác nhau.
Nhiều phụ huynh thắc mắc trẻ em bị viêm tai giữa có nguy hiểm không? Tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến thính giác của bé về sau cũng như các hệ lụy khác như khả năng tiếp thu học tập, nghe hiểu,... Khi nghi ngờ bé bị viêm tai giữa, mẹ hãy cho con đến gặp bác sĩ để thăm khám chính xác.
Nếu bị viêm tai giữa thể nhẹ và vừa, bệnh có thể tự khỏi sau 2-3 ngày mà không cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên trường hợp tai bị viêm nặng thì bác sĩ sẽ có quyết định nên cho bé sử dụng kháng sinh hay không.
Vì vậy việc điều trị viêm tai cho bé, cần phải thực hiện theo nguyên tắc "quan sát và chờ". Cha mẹ nên theo dõi tình trạng bệnh của con xem có tiến triển đỡ hơn hay bé càng cảm thấy đau đớn hơn. Nếu sau vài ngày bé đỡ và khỏi thì không cần phải dùng kháng sinh, hoặc nếu sau vài ngày thấy bé đau hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh.
Trẻ bị viêm tai giữa nên ăn gì và bé bị viêm tai giữa uống thuốc gì thì tùy vào tình trạng bệnh của từng bé, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể.
Để chăm sóc bé bị viêm giữa tại nhà, hằng ngày, mẹ hãy vệ sinh tai sạch sẽ cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Sử dụng khăn mặt sạch và nước ấm để lau phía ngoài tai cho sạch sẽ.
- Tiếp theo nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý trực tiếp vào 2 tai.
- Nếu bác sĩ cho thuốc rửa tai thì mẹ hãy sử dụng thuốc để nhỏ vào tai cho bé nhanh khỏi.
5. Cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" là một nguyên tắc bất di, bất dịch từ trước đến nay. Vì vậy là cha mẹ nên có phương pháp và lối sống để có thể phòng tránh bệnh viêm tai giữa cho con phù hợp. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích mà bố mẹ nên nắm rõ:
- Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Vì sữa mẹ sẽ cung cấp dinh dưỡng, tăng cường khả năng miễn dịch cho bé, giúp bé tăng khả năng phòng tránh mọi bệnh tật.
- Nếu bé bú bình, mẹ hãy để bé bú với tư thế nằm thẳng đứng, tay mẹ đỡ bé sao cho tạo góc nghiêng 30 độ, đồng thời giữ tư thế đó khoảng 30 phút sau khi bé đã bú. Đối với trẻ đã biết ngồi, thì mẹ nên cho bé bú bình ở tư thế ngồi.
- Tuyệt đối không hút thuốc xung quanh trẻ sơ sinh
- Tránh xa thú nhồi bông, các loại con vật và đồ vật có lông xung quanh chỗ bé ngủ nhắm tránh khả năng kích ứng gây ra dịch nhầy ở tai giữa và hốc mũi của trẻ.
- Hạn chế cho con ngậm ti giả về đêm, đặc biệt là các bé từ 6 tháng tuổi trở lên vì có một số kết quả nghiên cứu kết luận rằng những trẻ ngậm ti giả có khả năng viêm tai giữa cao hơn nhiều lần so với trẻ không ngậm ti giả.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả tươi và các loại hải sản trong thực đơn hằng ngày của bé để tăng khả năng miễn dịch, phòng bệnh hiệu quả.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị nhiễm lạnh khác, đặc biệt là ở nhà trẻ, trường học.
- Vào mùa đông, cha mẹ chú ý giữ ấm cho bé, tránh bé bị cảm lạnh.
- Nhiều mẹ thắc mắc trẻ bị viêm tai giữa có tiêm phòng được không? Câu trả lời là có, mẹ hãy cho bé chích ngừa vacxin cúm và phế cầu để giảm thiểu nguy cơ bị viêm tai giữa ở trẻ.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về trẻ bị viêm tai giữa mà phụ huynh nên biết để sớm nhận biết bệnh và cách chữa trị đúng chuẩn cho con. Đừng chủ quan vì viêm tai giữa có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.