Ngày 20/12, Sở Y tế TPHCM đã thông tin các hoạt động nổi bật của ngành y tế Thành phố trong năm 2022. Trong đó, có hoạt động "cấp cứu trầm cảm".
Theo đó, tác động của dịch Covid-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân đã được nhiều báo cáo khoa học trên thế giới ghi nhận. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25%.
Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân giai đoạn sau dịch, ngành y tế đã thí điểm triển khai mô hình "cấp cứu trầm cảm". Đây là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình, và đáng ngại nhất là thể nặng, khiến người bệnh thường sẽ tìm đến cái chết.
Mô hình "cấp cứu trầm cảm" được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Bên cạnh đường dây cấp cứu 115 quen thuộc, ngành y tế còn triển khai thêm đường dây nóng 1900.1267, giúp người dân kết nối nhanh chóng với các chuyên gia tâm thần
Sau hơn 4 tháng triển khai, "cấp cứu trầm cảm" đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM điều trị.
Ngoài hoạt động trên, TPHCM còn có 9 hoạt động nổi bật khác của ngành y tế trong năm 2022.
Thứ nhất là phục hồi hệ thống y tế sau thời gian dài ứng phó với dịch Covid-19.
Thứ hai, chủ động ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn TPHCM.
Thứ ba, khởi động chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO (chương trình WHO PEN).
Thứ tư, thí điểm thành công việc đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế.
Thứ năm, luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện và đưa X-quang phổi tích hợp trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ).
Thứ sáu, triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu tại những bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối.
Thứ bảy, đối thoại và lắng nghe ý kiến người dân về cung ứng dịch vụ công và đổi mới sáng tạo quy trình tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế.
Thứ tám, TPHCM có thêm nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng (như Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cơ sở mới, Trung tâm Can thiệp tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng 1...), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Thứ chín, TPHCM đã tổ chức thành công hội thi "Trưởng Trạm y tế giỏi lần 1" và khởi động bình chọn giải thưởng "Thành tựu y khoa" lần thứ 3.
Sở Y tế TPHCM nhận định, trong năm 2022, ngành y tế địa phương phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch để lại. Đó là sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế công, nguồn thu của các bệnh viện tự chủ bị giảm sút, hay tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu làm ảnh hưởng việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...
Trong bối cảnh khó khăn trên, với sự nỗ lực của từng cán bộ, viên chức, người lao động, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, hệ thống y tế TPHCM đã tiếp tục đứng vững và triển khai nhiều hoạt động nổi bật, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.