Cúng ông Công ông Táo
Quan niệm dân gian cho rằng ngày 23 tháng chạp hằng năm là lúc ông Công ông Táo về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về một năm đã qua của cả gia đình. Thế nên, dù bận rộn đến mấy gia chủ cũng đừng quên chuẩn bị mâm cơm cúng những vị thần cai quản bếp núc, đất đai, gia đạo này.
Trong mâm cúng gia chủ cũng đừng quên chuẩn bị một con cá chép khỏe mạnh để các vị thần vượt vũ môn, phù hộ cho năm mới của gia đình bạn luôn ấm êm sung túc, tài lộc dồi dào.
Tảo mộ ông bà tổ tiên
Những ngày giáp Tết người Việt thường đi tảo mộ ông bà tổ tiên để thể hiện lòng hiếu kính của mình với cội nguồn. Không chỉ tu sửa mộ phần, vệ sinh sạch sẽ nơi yên nghỉ của người đã khuất, đây còn là dịp để con cháu báo cáo với tổ tiên về những gì đã qua trong năm cũ.
Đây chính là cách để người đã khuất luôn kề bên, phù hộ độ trì cho con cháu, giúp năm mới thêm may mắn, bình yên vô sự.
Trả hết nợ nần
Người xưa quan niệm rằng nếu ngày đầu năm mới mà bị đòi nợ thì cả năm đấy gia chủ sẽ làm ăn thất bát, xui xẻo đủ đường.
Năm cũ qua đi năm mới lại đến, nếu đang nợ nần tiền bạc của ai bạn cần cố gắng thu xếp để trả hết. Đừng để nợ của năm cũ kéo sang năm mới khiến tài vận của bạn bị trì trệ, cả năm không phất lên được.
Đón giao thừa cùng gia đình
Việc bạn nhất định phải làm cho bằng được trong dịp cuối năm chính là đón giao thừa cùng gia đình. Tết là ngày đoàn viên, là dịp để cả nhà quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm tất niên và đếm ngược đến giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới.
Dù ham vui đến mấy, bận rộn đến đâu bạn cũng hãy về bên gia đình ngày cuối năm, để trao nhau những bao lì xì đỏ may mắn. Không chỉ mang lại niềm vui cho cha mẹ, đón Tết cùng gia đình còn là bài học cho con cháu về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo