Đây là kết quả nghiên cứu của PGS. TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Các bài tập của PGS Phương đều có thể tập tại nhà hết sức đơn giản và có thể sử dụng trong trường hợp mệt mỏi do làm việc kéo dài, suy giảm chức năng hô hấp mãn tính. Mỗi bài thể dục nên tập từ 2-3 lần trong một ngày để cải thiện thể chất và bình phục sức khỏe nhanh hơn.
Theo PGS Phương, việc phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân cần được bác sĩ chỉ định dựa trên dấu hiệu tổn thương phổi, khả năng nhận thức, sức mạnh hô hấp, sức mạnh vận động, để xác định những bài tập phù hợp đối với từng cá nhân.
I. Hướng dẫn bài tập đơn giản cho người nhiễm Covid-19 giúp phục hồi hô hấp sau khi ra viện
1. Thở thư giãn
Người bệnh sẽ ngồi trên ghế tựa lưng, tư thế thoải mái.
Đặt 1 tay lên ngực và tay kia lên bụng và nhắm mắt thư giãn.
Hít từ từ chậm rãi không khí bằng mũi, thở từ từ ra bằng miệng.
Lưu ý khi hít thở bạn sẽ thấy tay trên bụng nâng lên vì không khí đang tích tụ sâu trong lá phổi. Cố gắng duy trì hơi thở chậm rãi, đều đặn để giúp việc trao đổi không khí tốt nhất.
2. Các động tác giảm khó thở
PGS Phương cho biết khi thực hiện các tư thế này sẽ làm cơ thể dễ thở hơn:
- Nằm nghiêng đầu cao.
- Ngồi gục mặt xuống bàn.
- Ngồi khom về phía trước.
- Đứng khom về phía trước.
- Đứng dựa lưng vào tường.
3. Thở theo nhịp vận động
Bài tập này mang lại hiệu quả cao khi thực hiện song song với các hoạt động gắng sức khiến bạn khó thở như leo cầu thang liên tục, đi leo dốc hay tập thể dục.
Bạn nên cố gắng làm chậm lại nhịp hoạt động để nhịp thở điều hòa theo, tránh vội vàng cố leo lên cầu thang sẽ rất dễ bị mệt và khó thở khi kết thúc nhịp vận động.
Hít vào trước khi bạn thực hiện hoạt động, nên hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng nhịp nhàng. - Ảnh: Internet
4. Tập vận động dây thanh quản
Chính là bài tập nói áp dụng với các bệnh nhân phải thở máy, điều này dẫn đến dây thanh quản bị tổn thương. Sau khi ra viện, người bệnh cần làm quen lại với tần suất nói của mình, tập vận động dây thanh quản, không lên giọng hay nói to.
Bệnh nhân nên kết hợp với nhấp nước thường xuyên để làm cho họng không bị khô, tránh ảnh hưởng tới dây thanh quản.
Phục hồi hô hấp có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe người nhiễm Covid-19 - Ảnh: Internet
Trong quá trình tập, hãy theo dõi và dừng tập nếu có những dấu hiệu như tức ngực, khó thở hay mệt mỏi bất thường, lập tức nhắn hoặc gọi điện cho bác sĩ diều trị để có những giải pháp tư vấn kịp thời.
II. Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân F0 sau khi ra viện
- Đa dạng thực phẩm để tăng cường hệ miễn dịch
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, người mắc F0 đã khỏi bệnh nên cung cấp ít nhất 1800 calo một ngày để duy trì thể trạng sức khỏe. Các thành phần protein, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất vẫn cần cung cấp đầy đủ như người bình thường.
Lưu ý tăng cường thêm thực phẩm chứa Flavonoid giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch và ức chế các hoạt động của virus SARS-CoV-2 như trà xanh, súp lơ xanh, hành tây, gừng tỏi… và các thực phẩm chứa vi sinh vật lợi khuẩn Probiotics như sữa chua, sữa, phô mai; tăng cường chất xơ bằng hoa quả, socola đen, các loại hạt…
Đặc biệt, các bệnh nhân F0 cần uống ít nhất từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, nên uống nước đun sôi để nguội hoặc dã tiệt trùng. Nhiệt độ nước đang ấm sẽ có tác dụng tốt hơn nước lạnh, chia đều thời gian uống trong ngày và tránh xa các loại nước có gas, đồ có cồn.
Ngoài ra, người bệnh F0 đã khỏi bệnh không nên kiêng kem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.
Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
- Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân F0 là trẻ em
Chúng ta nên cho trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày và trẻ trên 2 tuổi là 500 ml/ngày bằng các loại sữa công thức tính theo tuổi/ngày, đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng sữa công thức hỗ trợ dinh dưỡng có hàm lượng năng lượng cao thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Ngoài ra, chúng ta lưu ý tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo dõi thêm lượng thức ăn trẻ ăn vào hằng ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào dưới 70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần gọi điện để được tư vấn cụ thể bởi các nhân viên y tế.