Hôi miệng
Hôi miệng có thể được gây ra ở bệnh nhân tiểu đường chủ yếu là do lượng xeton trong máu cao. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể trở nên kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin.
Bình thường, trong nước bọt luôn có sẵn một hàm lượng glucose (đường) nhất định. Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, lượng đường trong nước bọt cũng tăng cao là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại phát triển. Vi khuẩn kết hợp với thức ăn tạo thành các mảng bám, có thể gây sâu răng, bệnh nướu răng hoặc làm cho hơi thở có mùi hôi khó chịu. Từ đó, dễ khiến bệnh nhân ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, lượng đường trong máu tăng cao còn gây tổn thương đến mạch máu, làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng nướu răng. Cộng với việc hệ miễn dịch bị suy yếu là những lý do khiến cho người tiểu đường dễ dàng mắc các bệnh nhiễm trùng răng lợi.
Trong trường hợp này, ngoài chủ động kiểm soát đường huyết, người bệnh cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống tránh làm tăng lượng đường trong máu.
Tiểu không tự chủ
Khi bàng quang đầy nước, hệ thần kinh sẽ phát tín hiệu để một người đi tiểu, khiến cơ bàng quang co bóp và cơ thắt niệu đạo giãn ra. Trong thời gian còn lại, cơ bàng quang ở trạng thái thả lỏng và cơ thắt niệu đạo co thắt.
Tuy nhiên, nếu bạn bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng các dây thần kinh tự chủ kiểm soát bàng quang và niệu đạo, dẫn đến rối loạn chức năng, gây ra tiểu không tự chủ.
Để đối phó với tình trạng này, trước tiên người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn uống như cắt giảm hoặc tránh các loại thức uống có cồn, caffeine hoặc thực phẩm có tính axit. Hạn chế ăn các món ăn dạng lỏng, giảm cân nếu thừa cân, tăng cường hoạt động thể chất. Họ cũng nên uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh cá nhân, đề phòng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngứa da
Do rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể khiến lượng đường của bệnh nhân đái tháo đường tăng cao. Điều đó gây rối loạn chức năng của dây thần kinh, trong thời gian dài sẽ làm tổn thương dây thần kinh có chức năng điều khiển tuyến tiết, dẫn tới việc tiết mồ hôi ở tay, chân bị hạn chế. Từ đó khiến cho da của những người bị tiểu đường hay có biểu hiện khô và ngứa.
Nếu có những biểu hiện trên, mọi người đừng cảm thấy xấu hổ, giấu giếm mà hãy chủ động tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, để được điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Đồng thời, khi da bị ngứa, tránh gãi quá mạnh để không làm trầy xước da và gây nhiễm trùng. Bạn nên sử dụng nước ấm khi tắm, nhiệt độ nước không quá cao hoặc quá thấp để không gây kích ứng da.
Nhìn chung, cần giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh để những lo lắng bệnh tật làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Lo lắng không làm giảm mức độ bệnh, thậm chí khiến cơ thể bị stress nặng làm thêm tình trạng bệnh.