NS Phi Điểu
Vốn sở hữu gương mặt hiền lành, có phần tảo tần, lam lũ của bà mà các đạo diễn tin tưởng và giao phó những vai bà mẹ phúc hậu, chịu thương chịu khó. Các vai diễn ấn tượng của nữ nghệ sĩ phải kể đến là Thụy khúc, Blouse trắng, Lẵng hoa tình yêu, Bên đường lá đỏ,... Nhờ vậy mà từ đạo diễn cho đến khán giả ai cũng yêu mến gọi bà là "người mẹ hiền nhất màn ảnh Việt".
Hiện tại, dù đã bước sang tuổi 91, nghệ sĩ Phi Điểu vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật vừa là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm. Không chỉ làm phim ảnh và ngồi ghế nóng, nghệ sĩ Phi Điểu cũng thường nhận lời sải bước trên sàn diễn. Bà gây bất ngờ với thần thái tươi tắn, phong thái trang nhã, khoẻ khoắn.
Mỗi ngày, nghệ sĩ Phi Điểu tự chạy xe máy đến phim trường. Con cháu và nhiều người từng khuyên bà di chuyển bằng phương tiện công cộng cho đỡ nguy hiểm nhưng bà không muốn vì "thích cảm giác tự chủ động thời gian và rèn luyện phản xạ".
Ở tuổi này, bà khẳng định không đặt nặng chuyện catse và chưa bao giờ "hét" giá vì quan niệm đó không phải thước đo đánh giá tên tuổi. Theo nghệ sĩ Phi Điểu, hiện bà có cuộc sống gia đình ổn định, không phải lo ăn lo mặc nhưng nhờ tiền lương, catse nên bà có thể giúp hàng xóm, họ hàng xa gần.
NS Mạnh Dung
NSƯT Mạnh Dung sinh năm 1939, từng là diễn viên của đoàn cải lương Chuông Vàng (Hà Nội), nổi danh với nhiều vai diễn trong các vở cải lương Bạch Xà nương, Tống Chân - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... Ở lĩnh vực phim ảnh, NSƯT Mạnh Dung được khán giả nhớ đến với hình ảnh chất phác, hồn hậu khi hóa thân thành ông Ba bắt rắn trong phim Đất phương Nam. Ngoài ra, ông còn có vai diễn gây ấn tượng trong phim Nghiệt Oan, Bình minh Châu Thổ, Cá rô anh yêu em...
Hiện tại, ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ Mạnh Dung vẫn miệt mài diễn xuất, không ngừng cống hiến cho nghệ thuật. Ông cho biết mình và vợ thường xuyên góp mặt trong các vở diễn tốt nghiệp để hỗ trợ sinh viên. Nam nghệ sĩ cũng chia sẻ, đã theo đuổi nghệ thuật thì vai diễn ít hay nhiều đất diễn, chính hay phụ ông đều trân quý. Với ông, vai nào cũng đều góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.
Dù đã lớn tuổi nhưng vợ chồng ông càng diễn, càng làm việc lại càng khỏe hơn. Nếu đoàn phim cần phải di chuyển nhiều địa điểm, ông vẫn có thể theo đến cùng. "Thông thường, tôi tự đi đến phim trường. Nếu có bà xã đóng cùng, chúng tôi đi với nhau. Dường như càng đóng phim, tôi càng khỏe ra. Trời cho tôi gần 90 tuổi vẫn còn minh mẫn nên tôi không ngừng học hỏi. Tôi nghĩ do mình thường xuyên trau dồi về tinh thần, trí não nên ngày càng khỏe khoắn" - ông nói.
NS Đức Trung
Phong cách diễn xuất của nghệ sĩ Lê Đức Trung đóng đinh với các vai chính diện, đòi hỏi sự chỉn chu, đĩnh đạc, hợp với tư chất vốn có trong ông. Tên tuổi của nam nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ trong suốt thời gian ở Nhà hát Tuổi trẻ như: Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17... Đặc biệt, nam nghệ sĩ từng 3 lần vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 3 thể loại khác nhau: Kịch nói (Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than).
Sau khi nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Lê Đức Trung đứng lớp giảng dạy diễn xuất cho nhiều khóa diễn viên tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ngoài giảng dạy nghệ sĩ Lê Đức Trung còn tham gia đóng phim truyền hình. Ông để lại dấu ấn với hàng loạt vai người ông, người cha hiền từ, ấm áp. Vì vậy, nhiều khán giả gọi ông là "ông nội quốc dân của màn ảnh Việt".
Ở tuổi 80, nghệ sĩ Lê Đức Trung tham gia phim Hướng dương ngược nắng (phát sóng 2020-2021). Trong phim, nghệ sĩ Đức Trung luôn cống hiến cho nghề và không cảm thấy có khoảng cách với lớp diễn viên trẻ. Ông chia sẻ, vì cảm thấy nhân vật có dáng dấp giống mình ở ngoài nên nhận vai dù chỉ được nhận kịch bản 1 tuần trước khi bấm máy.