Độ tuổi bé bắt đầu học nói
Nói là một trong những kỹ năng quan trọng sau kỹ năng nhai trong ăn dặm. Nói cũng thể hiện sự phát triển của não bộ và hoạt động cơ hàm để tạo ra âm thanh dưới dạng ngôn ngữ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết:
"Từ 8 – 12 tháng tuổi: Bé bắt đầu có những âm thanh đa dạng, có thể hét lớn, la, cười ra tiếng, hoặc nói mẹ, ba,… Thông thường là những từ không chính xác nhưng việc bắt chước và tạo âm thanh là phổ biến ở tuổi này.
Từ 18 – 30 tháng tuổi: Đây là thời điểm đa phần các bé sẽ học nói với số từ đa dạng, có thể 2 – 3 từ, cũng có thể chỉ là những từ đơn:
Giáo sư Shah, Đại học Chicago (Mỹ) cho biết bé từ 15 – 24 tháng tuổi thường có sự phát triển não bộ nhanh hơn thời điểm trước đó vì là giai đoạn chuyển tiếp.
Lúc này bé có thể sẽ trở nên ít nói hơn, có thể sẽ không nói những từ mà bé hay nói trước đó như "Dạ" hoặc "Ba".
Mẹ cũng không nên quá ngạc nhiên tại sao lúc này bạn yêu cầu bé “dạ” hay “ạ” một ai đó, mà bé im lặng không nói gì. Mẹ đừng quá lo lắng, đơn giản chỉ là lúc này bé đang chuyển tiếp để học ngôn ngữ.
Dạy bé học nói như thế nào?
Để dạy bé học nói, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh gợi ý cha mẹ nên có lộ trình giao tiếp từng bước cùng con theo từng giai đoạn:
Từ 4 tháng tuổi: Mẹ luôn nói với bé khi ôm bé, khi thay tã cho bé, khi cho bé bú, khi vuốt ve hay mát-xa bé. Bé thích nghe giọng mẹ nói từ độ tuổi này. Sau 5 tháng, bé thích nghe giọng của cha và mẹ.
Sau 6 tháng, bé thích nghe giọng tất cả mọi người. Hãy luôn trò chuyện với bé và khi nghe bé lặp lại một từ thì cha mẹ cũng lặp lại từ đó 1 – 2 lần để cho bé nghe và đọc theo.
Từ 8 – 12 tháng tuổi: Luôn trò chuyện với bé những câu ngắn như: "Con giỏi quá!", "Con ăn cháo nhé…"
Từ 15 – 30 tháng tuổi: Mẹ nên hỏi bé những câu hỏi khi đọc truyện cho bé nghe, để bé có thời gian suy nghĩ (khoảng 10 giây) để trả lời. Hoặc có thể nói câu cầu khiến như “Nhặt gấu Teddy lên!”, “Mẹ đóng cửa sổ.” hoặc “Đến giờ ngủ rồi”.
"Đừng quá lo lắng hay cảm thấy stress khi bé không muốn lặp lại hoặc không nói. Đơn giản là bé chưa biết cách nói như thế nào. Bé sẽ phải học hỏi và bắt chước rất nhiều lần để có thể ghép 2 – 3 từ với nhau", bác sĩ Hoàng Anh thông tin.
Trước 1 tuổi, mẹ có thể nói ngọng như bé cho bé thích thú những từ bé cố phát âm được. Nhưng sau 1 tuổi, khi bé nói ngọng, cha mẹ không nên nói bé sai. Chỉ đơn giản nói lại từ đó với phát âm đúng.
Ví dụ: Trước 1 tuổi, bé nói “be” và chỉ vào hình em bé. Mẹ cũng nói “be”, để bé hứng thú lặp lại. Nhưng sau 1 tuổi, cha mẹ chỉ vào hình và nói là “bé”
Khi tập nói cho bé nên tìm môi trường không nhiều âm thanh như ti vi, nơi đông người.