Theo Reuters, 218 ca nhiễm COVID-19 mới đã được ghi nhận tại Indonesia trong ngày 6/4, nâng tổng số trường hợp lây nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 2.491 người. Ngày 6/4 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.
Cho đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 209 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, với 11 ca tử vong mới trong ngày 6/4, biến đây trở thành nước có số người chết vì đại dịch này cao thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc.
Trong số 209 ca tử vong, có 24 trường hợp là bác sĩ. Số ca tử vong là bác sĩ đã tăng gấp đôi so với tuần trước, trong bối cảnh quốc gia này đang hứng chịu chỉ trích vì tình trạng thiếu hụt vật tư y tế và thiết bị bảo hộ.
"Xu hướng bác sĩ sĩ tử vong ngày càng tăng cao", ông Halik Malik, phát ngôn viên của Hiệp hội bác sĩ Indonesia chia sẻ, xác nhận rằng các bác sĩ tử vong do nhiễm COVID-19. "Nguy cơ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh luôn tồn tại. Nhưng vấn đề là nhân viên y tế cần phải được bảo vệ dưới bất cứ hình thức nào", ông Malik nhấn mạnh.
Một số nhóm nhân quyền đã bày tỏ quan ngại khi số lượng bác sĩ tại Indonesia tử vong khi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng cao. "Vấn đề các nhân viên y tế tử vong không chỉ nằm ở con số, mà còn là hồi chuông báo động cho quốc gia về việc cần phải chấn chỉnh hệ thống y tế trong trường hợp khẩn cấp", đại diện Tổ chức Ân xá Quốc tế chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế nghi ngờ rằng, tỷ lệ tử vong quá cao trong số các ca nhiễm tại Indonesia đang chứng minh sự hiện diện của những ổ dịch lớn hơn dữ liệu được thống kê chính thức tại quốc gia này. Cơ quan tình báo Indonesia dự đoán quốc gia này sẽ đạt đỉnh dịch trong 3 tháng tới, với khoảng 100.000 ca nhiễm tính đến tháng 7.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 6/4 cho biết, các thiết bị bảo vệ cá nhân đã được phân phối trên khắp Indonesia, trong bối cảnh ít nhất 10 tỉnh tại Indonesia đang thiếu hụt thiết bị điều trị COVID-19. Theo Reuters, một số bác sĩ thậm chí phải dùng áo mưa và mang theo khẩu trang riêng khi điều trị để bảo vệ bản thân.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Y tế Indonesia ngày 7/4 đã phê chuẩn yêu cầu của chính quyền thành phố Jakarta về việc áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn trong thành phố để hạn chế sự lây lan của COVID-19.